Thứ Tư, 09/10/2024 15:30 CH
Để giáo dục chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả
Thứ Ba, 26/10/2010 17:30 CH

Hiện nay, mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) ở các địa phương đã có sự phát triển về quy mô và loại hình đào tạo. Song, sự phát triển ấy đã tỏ ra bất cập so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đã đến lúc cần thiết phải tái cấu trúc hệ thống GDCN ở các địa phương.

 

cdn101026.jpg

Thực hành Điện dân dụng ở Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên. - Ảnh: T.HẰNG

 

TRÙNG LẮP TRONG ĐÀO TẠO, CHẤT LƯỢNG THẤP

 

Từ sau đổi mới đất nước nói chung và đổi mới hệ thống GDCN nói riêng, mạng lưới GDCN ở các địa phương đã có sự phát triển thấy rõ về quy mô và loại hình đào tạo. Nhờ vậy, số lượng người học cũng tăng nhanh góp phần thỏa mãn nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội ở các địa phương. Song, đến nay sự phát triển này đã tỏ ra bất cập so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Sự bất cập thể hiện rất rõ ở sự phát triển thiếu tính định hướng chiến lược, có phần “trăm hoa đua nở” và sự yếu kém có tính hệ thống trong công tác quản lý đã dẫn đến tình trạng sa sút về chất lượng đào tạo vì bệnh chạy theo thành tích và có phần nghiêng về mục đích lợi nhuận của các cơ sở đào tạo trên các địa bàn địa phương…

 

Dựa trên khảo sát thực tiễn hoạt động của các cơ sở GDCN ở các địa phương cho thấy có sự phân tán, manh mún, nhất là ở cấp huyện: mỗi huyện đều có trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề. Còn ở cấp tỉnh nói chung đều có một trường cao đẳng sư phạm, một trường cao đẳng nghề, một trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và một trung tâm giáo dục thường xuyên; có tỉnh lại có thêm trường đại học địa phương hoặc một trường cao đẳng cộng đồng. Sự tồn tại nhiều cơ sở đào tạo thuộc địa phương cùng làm những nhiệm vụ trùng lắp như vậy đã gây ra lãng phí các nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp chất lượng đào tạo, nhất là các loại hình đào tạo không chính quy hoặc phi chính quy.

 

Thực chất hoạt động của các trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện hoạt động yếu về mọi phương diện. Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp tỉnh chỉ hoạt động cầm chừng trong nhiệm vụ chính, thiếu tính thực tiễn, mà lại còn liên kết tổ chức đào tạo với trường nọ, trường kia ngoài chức năng, nhiệm vụ của mình. Tình trạng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã, phường còn ảm đạm, chỉ là hình thức trên danh nghĩa, rất lúng túng và nghèo nàn trong nội dung hoạt động. Đặc biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh với bộ máy thông thường chỉ có năm, bảy người chuyên làm công tác hành chính, ghi danh và thu học phí, nhưng hoạt động rất “hùng mạnh” với cái gọi là “liên kết đào tạo” ở tất cả các cấp học, bậc học với chất lượng đào tạo thấp và có dấu hiệu chạy theo lợi nhuận.

 

Với mục tiêu hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của mình là gắn chặt với cộng đồng/địa phương, các mô hình trường cao đẳng cộng đồng và trường đại học địa phương có thể thay thế và thực hiện/phối hợp thực hiện có hiệu quả hơn về mặt chất lượng đào tạo nói riêng và về quản lý nhà nước nói chung, đối với các nhiệm vụ mà các thiết chế GDCN khác ở các địa phương hiện nay đang thực hiện.

 

GIẢI PHÁP ĐIỀU CHỈNH

 

Từ thực tế nêu trên, xin đưa ra mấy giải pháp để điều chỉnh vĩ mô hoạt động của hệ thống GDCN ở các địa phương theo định hướng đảm bảo bốn yêu cầu: kế thừa; thực tiễn; chất lượng và hiệu quả; phát triển bền vững.

 

Thứ nhất, về mạng lưới cơ sở GDCN, nên có trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường; ở cấp huyện, sáp nhập trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành trường trung cấp chuyên nghiệp tổng hợp hoặc thành một trung tâm hợp nhất gọi là trung tâm đào tạo - bồi dưỡng văn hóa và nghề nghiệp. Ở cấp tỉnh, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp nên đổi thành trường trung học kỹ thuật – công nghệ, chỉ cần một trường cao đẳng nghề đào tạo bao trùm các cấp dạy nghề; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh vào trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường cao đẳng tổng hợp; địa phương nào có đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn của điều lệ trường đại học thì có thể thành lập trường đại học địa phương trên cơ sở nâng cấp trường cao đẳng cộng đồng/cao đẳng tổng hợp, cùng các cơ sở GDCN khác thuộc địa phương một cách phù hợp.

 

Thứ hai, về chương trình và phương thức đào tạo. Xác định lại mục tiêu hoạt động của trường trung cấp kỹ thuật là trường trung cấp kỹ thuật - công nghệ; đó là loại hình trường đào tạo học sinh có trình độ trung cấp theo hướng nghề nghiệp kỹ thuật và công nghệ để chuẩn bị nghề nghiệp cho tương lai học sinh ở bậc giáo dục sau trung học. Các trường ở hệ cao đẳng cộng đồng, đại học địa phương, ngoài các chương trình đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực theo các cấp độ văn bằng và chuyên môn cụ thể; thực hiện các chức năng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, chức năng giáo dục thường xuyên… Làm được như vậy, sẽ thuận lợi cho việc thực hiện đào tạo liên thông cả 3 cấp: trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tại địa phương.

 

Thứ ba, điều chỉnh vĩ mô ở cấp trung ương, nên chuyển trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề của Tổng cục Dạy nghề  thuộc Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội về lại Bộ GD-ĐT để tập trung nguồn lực trong giáo dục - đào tạo của đất nước.

 

Tiến sĩ NGUYỄN HUY VỊ

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek