Thứ Tư, 09/10/2024 19:21 CH
Nâng cao chất lượng tự học cho sinh viên
Thứ Ba, 19/10/2010 19:00 CH

Việc khuyến khích sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng tự học, tự nghiên cứu đang là vấn đề nhiều trường quan tâm, nhất là theo hình thức đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên, để sinh viên thực hiện tốt việc này là điều không dễ.

 

trac-dia101019.jpg

Sinh viên ngành Trắc địa - Địa chính Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thực hành – Ảnh: M.THÚY

 

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, từ năm 2010, tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ. Phương thức đào tạo này đòi hỏi thời lượng tự học của sinh viên chiếm 2/3 so với giờ học trên lớp. Trong quá trình dạy học, sự tổ chức điều khiển của giảng viên giữ vai trò quan trọng không thể thiếu được, nhưng quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên có ý nghĩa quyết định.

 

GẮN HỌC TRÊN LỚP VỚI TỰ HỌC

 

Theo thạc sĩ Bùi Hữu Mô, Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Phú Yên, người giảng viên dù có kiến thức sâu rộng, trình độ nghiệp vụ vững vàng đến đâu chăng nữa mà sinh viên không tự giác, tự lực thì kết quả học tập sẽ không cao. Giảng viên không thể dạy tất cả những điều cần thiết cho người học, chỉ có tự học sinh viên mới học được tất cả những điều cần học vì chỉ có bản thân người học mới biết rõ trong vốn hiểu biết của mình còn thiếu cái gì.

 

Hiện nay, tất cả các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Phú Yên đang thực hiện chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo học chế tín chỉ. Theo hệ thống tín chỉ số giờ lên lớp của giảng viên giảm, số giờ tự học của sinh viên sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thực tế, việc tự học của sinh viên chưa đạt hiệu quả cao. Theo ông Bùi Hữu Mô, mặc dù các nội dung tự học đã được thiết kế trong kế hoạch, trong chương trình đề cương chi tiết rất cụ thể từ phía giảng viên, nhưng sinh viên lại tỏ ra khá thờ ơ. Việc học tập của sinh viên hầu như chỉ gói gọn trong việc lĩnh hội kiến thức trên lớp được truyền thụ từ giảng viên. Sinh viên tỏ ra rất thụ động khi tìm sách đọc để bổ sung bài học mà chủ yếu trông chờ vào sự hướng dẫn của giảng viên. Nâng cao năng lực tự học cho sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, muốn làm tốt việc này, cần giúp sinh viên hiểu rõ vai trò của việc tự học quan trọng như thế nào.

 

HÌNH THÀNH KỸ NĂNG TỰ HỌC

 

 Việc khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu đang là vấn đề nhiều nhà giáo dục, nhiều trường quan tâm. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Nhượng, giảng viên Trường Đại học Phú Yên, để hoạt động tự học có kết quả, điều quan trọng là sinh viên phải có kỹ năng tự học. Đây là yếu tố đảm bảo cho kế hoạch tự học được xây dựng có tính khoa học và khả thi, thể hiện ở sự bố trí, sắp xếp các công việc, phối hợp thời gian, xác định các hình thức tổ chức thực hiện từng công việc và mức độ hoàn thành tốt. Ngoài ra, để có thể hiểu, nắm vững tài liệu qua các giờ giảng, sinh viên phải chú ý lắng nghe bài giảng kết hợp với việc sử dụng các thao tác tư duy và ghi chép bài trên lớp. Muốn học tốt, sinh viên phải biết cách nghe giảng và ghi chép. Trước khi lên lớp, sinh viên cần nghiên cứu trước một số nội dung của bài mới, chỗ nào khó hoặc không hiểu có thể đánh dấu lại để khi nghe giảng đến phần đó sẽ chú ý hơn, nếu chưa rõ có thể hỏi giảng viên, bạn bè. Trong quá trình nghe giảng, phải gắn liền với tư duy, suy nghĩ tích cực. Ở đại học, bài giảng của giảng viên chỉ có tính chất hướng dẫn, gợi ý chứ không phải là sự trình bày hoàn chỉnh, trọn vẹn, toàn bộ một vấn đề. Vì vậy, việc xem xét lại và hoàn chỉnh bài giảng là việc làm cần thiết đối với sinh viên nhằm khắc sâu, mở rộng, bổ sung, đưa ra những cách lý giải một cách độc lập của mình về một số vấn đề của bài giảng bằng cách đọc thêm tài liệu.

 

Theo các giảng viên, trong quá trình giảng dạy, giảng viên bộ môn nên dành thời gian thích hợp để hướng dẫn sinh viên rèn luyện một số kỹ năng tự học cơ sở. Việc hướng dẫn này có thể tiến hành vào những số tiết học đầu tiên của môn học - nhằm giới thiệu tổng quát về yêu cầu, nội dung chương trình của môn học, giới thiệu về cách học, phương pháp học bộ môn. Cùng với việc giao hệ thống các nhiệm vụ tự học, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên kỹ năng cần thiết cho việc giải quyết các nhiệm vụ đó. Sau đó, giảng viên thường xuyên kiểm tra, đánh giá sự chuẩn bị của sinh viên (các bản đề cương, bản thu hoạch, các bài tập…). Giảng viên hướng dẫn sinh viên điều chỉnh, hoàn thiện thêm nội dung mà mình đã chuẩn bị.

 

Tự học nhằm phát huy tính tự giác, năng lực đọc sách, nghiên cứu của sinh viên để biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo của sinh viên. Do đó, tổ chức tốt việc tự học cho sinh viên không những cung cấp cho sinh viên những kiến thức mới, bổ ích mà còn giúp sinh viên rất nhiều trong công việc sau này. Thạc sĩ Bùi Hữu Mô khẳng định: Tự học giúp sinh viên nắm vững tri thức, kỹ năng, tạo cho sinh viên có sự hứng thú, say mê, tìm tòi, khám phá. Chính vì vậy, hình thành cho sinh viên những kỹ năng tự học là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ của các trường.

 

KHÁNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek