Thứ Tư, 09/10/2024 23:25 CH
Đội ngũ nữ cán bộ quản lý ngành GD-ĐT Phú Yên:
Cần phát triển cả lượng và chất
Thứ Ba, 12/10/2010 16:00 CH

Những năm qua, ngành GD-ĐT Phú Yên đã quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ CNH-HĐH, đội ngũ nữ CBQL giáo dục chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

 

tieu-hoc101012.jpg

Một giờ học của học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa). - Ảnh: T.HẰNG

 

QUÁ ÍT NỮ CÁN BỘ QUẢN LÝ

 

Cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ các ngành khác trong tỉnh, đội ngũ nữ CBQL ngành GD-ĐT Phú Yên đã nỗ lực phấn đấu hết sức mình trong công tác và thể hiện được năng lực, phẩm chất chính trị, đảm đương tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ CNH-HĐH, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; việc chăm lo, đào tạo, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức. Một bộ phận nữ cán bộ còn có tư tưởng tự ti, an phận, ngại khó, thiếu ý chí vươn lên… Số lượng nữ CBQL của ngành là 261 người, quá ít so với tỉ lệ lao động nữ toàn ngành là 9.097 người. Cơ cấu nữ CBQL chưa đồng bộ, càng ở chức vụ quản lý cao thì số lượng càng giảm. Phần lớn nữ CBQL giữ chức vụ cấp phó. Số lượng nữ CBQL ở độ tuổi 40 trở lên khá đông. Đây là độ tuổi mà nữ CBQL có thể cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp nhưng cũng dễ rơi vào tình trạng chủ quan, ngại tiếp thu cái mới. Về trình độ chuyên môn, 100% nữ CBQL có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Song, số cán bộ nữ có trình độ đại học và sau đại học còn ít. Ngoài ra về trình độ chính trị, đa số nữ CBQL có trình độ sơ cấp, hiện tại chỉ có 58 người có trình độ trung cấp (tỉ lệ 22,2%), 10 người trình độ cao cấp lý luận chính trị (tỉ lệ 3,1%). Nguyên nhân của những tồn tại này là việc xây dựng và phát triển quy hoạch cán bộ chưa đồng bộ, chưa quan tâm đúng mức kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL kế cận; chế độ chính sách hỗ trợ dành cho nữ CBQL trong việc học tập nâng cao trình độ cũng như những chế độ khuyến khích dành cho nữ CBQL giỏi chưa có sự ưu tiên; một số nữ CBQL chưa chủ động cố gắng học tập để nâng cao trình độ, dẫn đến hạn chế về tầm nhìn, thiếu năng động, sáng tạo trong quản lý.

 

Làm thế nào để xây dựng được đội ngũ nữ CBQL của ngành đạt yêu cầu về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, năng động và thích ứng cao với thực tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT của tỉnh nhà là vấn đề cần quan tâm.

 

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

 

Trong giai đoạn hiện nay, việc đánh giá đúng thực trạng đội ngũ CBQL nói chung và đội ngũ nữ CBQL nói riêng là vấn đề quan trọng. Đây là cơ sở để xác định mục tiêu, phương hướng công tác của đơn vị, của ngành trong thời gian tới. Trong đó, tiêu chuẩn là cơ sở quan trọng nhất để đánh giá, lựa chọn, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng đúng cán bộ. Xây dựng tiêu chuẩn cần phải căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của ngành và yêu cầu chung của CBQL thời kỳ đổi mới. Căn cứ khả năng, đặc điểm của nữ CBQL để đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp nhưng vẫn lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm yếu tố hạt nhân trong việc đánh giá cán bộ.

 

Đối với công tác cán bộ nữ, quy hoạch đội ngũ nữ CBQL cũng rất quan trọng. Nhờ quy hoạch mà ngành sẽ chủ động chuẩn bị trước được nguồn nữ CBQL, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL kế cận có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng với yêu cầu trước mắt, lâu dài. Quy hoạch phải gắn chặt với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Việc quy hoạch đội ngũ phải cân đối trong cơ cấu cán bộ chung của toàn ngành và thể hiện được sự bình đẳng, quan tâm đến lực lượng cán bộ nữ. Chú ý trẻ hóa đội ngũ cán bộ nữ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ được tham gia học tập, bồi dưỡng. Bản thân nữ CBQL phải chủ động, tích cực tự học, tự rèn, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Có như vậy mới tránh khỏi bị tụt hậu, đào thải và đảm đương tốt nhiệm vụ trước yêu cầu mới.

 

Xây dựng đội ngũ nữ CBQL giáo dục có chất lượng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra cho ngành GD-ĐT và các cấp lãnh đạo trong tỉnh là phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự tiến bộ của phụ nữ; phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đề ra trong Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”.

 

LÊ HỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek