Thứ Năm, 10/10/2024 05:13 SA
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học:
Đừng chỉ là lời nói suông
Chủ Nhật, 03/10/2010 14:00 CH

Từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống lồng ghép vào các môn học ở bậc tiểu học. Đây là một chủ trương cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không chỉ từ các bài giảng.

 

lac-long-quan101003.jpg

Một giờ học ngoài trời của học sinh Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.THÚY

 

CHỦ ĐỘNG TRONG GIẢNG DẠY

 

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nội dung được đông đảo phụ huynh và dư luận quan tâm, bởi đây là một chương trình giáo dục hết sức cần thiết đối với học sinh. Thật ra, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được ngành GD-ĐT đặt ra từ lâu, nhưng lâu nay do Bộ GD-ĐT chưa ban hành bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để định hướng chung nên mỗi trường dạy mỗi kiểu. Cùng với đó, việc giáo dục kỹ năng này tại các trường học mới chỉ dừng lại ở các tiết học về giáo dục công dân. Hay ngay bản thân nhiều bậc phụ huynh cũng chưa hiểu hết về cái gọi là kỹ năng sống. Do đó, lâu nay, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chỉ là lời nói suông. Từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT chủ trương đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống đại trà vào các trường bằng cách tích hợp vào các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

 

Tại lớp tập huấn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học vừa được Sở GD-ĐT tổ chức, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhân Tông (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) Nguyễn Thị Phương Đoan cho biết: “Giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh có thể ứng phó với những thay đổi của xã hội gồm: kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng suy nghĩ có phán đoán. Để làm được điều này, trước hết phương pháp giảng dạy phải là giáo dục chủ động”. Theo bà Đoan, để rèn luyện kỹ năng sống nên cho học sinh chơi những trò chơi tương tác, những trò chơi dân gian để các em rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc nhóm; cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử; tham gia các trò chơi vận động… để từ đó xây dựng tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm. Kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể như vậy chứ không phải chỉ từ những bài giảng trên lớp.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường phổ thông hiện nay đã quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dẫn đến có một bộ phận học sinh trong các trường thiếu hụt hiểu biết về môi trường xung quanh, ứng xử cần thiết trong cuộc sống. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hành vi, lối sống đạo đức của nhiều học sinh. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải đảm bảo các yếu tố: giúp học sinh ý thức được giá trị của bản thân trong mối quan hệ xã hội; giúp học sinh hiểu biết về thể chất, tinh thần của bản thân mình; có hành vi, thói quen ứng xử có văn hóa, hiểu biết và chấp hành pháp luật… Tuy nhiên, giáo dục kỹ năng sống để đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ từ các bài giảng.

 

CẦN KẾT HỢP “BA NHÀ”

 

Giáo dục kỹ năng sống đòi hỏi tính chủ động của học sinh. Vì vậy, nếu chỉ đưa vào chương trình lồng ghép với các môn học liệu có hiệu quả, nhất là khi giáo viên chỉ mới làm quen với các tài liệu hướng dẫn từ đầu năm học này. Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) Kiều Hoàng Hiệp thổ lộ: “Giáo dục kỹ năng sống chỉ thật sự có hiệu quả khi người thầy có tâm huyết, sự kiên nhẫn và nhất là phải có thời gian. Giáo dục kỹ năng sống không phải chỉ là công việc của giáo viên, nhà trường mà của cả xã hội, cộng đồng. Phải kết hợp cả gia đình, nhà trường và xã hội mới mong đào tạo được những học sinh phát triển toàn diện”.

 

Theo các trường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không phải là công việc một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải có quá trình. Ông Trần Văn Ngọc, chuyên viên phụ trách Giáo dục tiểu học Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa nói: “Kỹ năng sống rất đa dạng và mang đặc trưng vùng, miền, đòi hỏi người giáo viên phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với nhu cầu, trình độ của học sinh và của nhà trường, địa phương”.

 

Thuận lợi lớn của giáo viên hiện nay, đó là Bộ GD-ĐT đã phát hành tài liệu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: “Cùng với việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán của các trường, năm học này Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mỗi thầy cô giáo tâm huyết, trách nhiệm hơn trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Giáo viên các trường học không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của học sinh. Các trường cần tăng cường trao đổi thông tin với gia đình một cách thường xuyên, liên tục. Mặt khác, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng trong định hướng, giáo dục, động viên giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, bố trí thời gian học tập, vui chơi phù hợp. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài nhà trường”.

 

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek