Thứ Năm, 10/10/2024 07:18 SA
Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh các môn khoa học xã hội:
Cán bộ quản lý, giáo viên cùng vào cuộc
Thứ Ba, 28/09/2010 13:30 CH

Đổi mới kiểm tra, đánh giá (KTĐG) - một trong những đòn bẩy để tạo sự chuyển biến của phương pháp dạy và học. Để thực hiện đạt hiệu quả yêu cầu này, giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường là những người quyết định sự thành bại của việc đổi mới.

 

day-van100928.jpg

Giờ học Văn của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi - Ảnh: T.HẰNG

 

GIÁO VIÊN LÀ NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH

 

Quan sát những tiết dạy Văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, chúng ta dễ dàng nhận ra sự “nhiệt tình” của giáo viên, khi chỉ có thầy nói- thầy giảng (có lúc, có nơi thầy chỉ đọc) và trò ghi. Khi thực hiện cải tiến phương pháp dạy học, hình thức vấn đáp xuất hiện- thầy hỏi, trò trả lời. Hỏi rất nhiều nhưng dường như phần lớn những câu hỏi ấy là “vì thầy” chứ không phải “vì trò”. Có quá nhiều câu hỏi: là gì? như thế nào? Nặng về yêu cầu tái hiện, mô tả mà thiếu vắng những gợi mở nhằm tạo điều kiện để học sinh tổng hợp, phân tích, so sánh. Là những bộ môn khoa học xã hội (KHXH) nhưng khi giảng dạy, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo điều kiện cho sự bộc lộ của ý kiến cá nhân trước những vấn đề của lịch sử, xã hội, con người, chúng ta chưa có nhiều những câu hỏi, những tình huống để học sinh dám và biết cách “cãi lại”. Tương ứng với cách dạy ấy là cách KTĐG cũng chậm được đổi mới. Những đề kiểm tra, đề thi tự luận với những câu lệnh bị công thức hóa, đơn điệu bởi phần nhiều được trình bày theo một kiểu. Những đề kiểm tra mà yêu cầu chỉ dừng lại hoặc thiên về khả năng nhớ, thuộc kiến thức, hạn chế rất nhiều năng lực phát hiện, khả năng tư duy độc lập sáng tạo của học sinh.

 

Từ năm học 2006-2007, bậc THPT thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, các bộ môn KHXH có điều kiện để đổi mới KTĐG nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Thầy phải có cách dạy như thế nào để học sinh có khả năng giải quyết các đề kiểm tra theo tinh thần đổi mới, để đạt được một kết quả đánh giá cao nhất (không phải chỉ ở điểm số mà còn là sự đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh về năng lực tư duy của người học). Trò phải học như thế nào để hình thành con đường khám phá những điều chưa biết, “tiêu hóa” kiến thức, để từ những điều đã biết mà hiểu thêm, khám phá những điều mới mẻ bằng những thao tác tư duy phân tích, tổng hợp, so sánh… để có được năng lực giải quyết những vấn đề của cuộc sống trong những tình huống cụ thể.

 

Kiểm tra đánh giá học sinh là công viêc bắt buộc đối với giáo viên. Đổi mới phải trên tinh thần nhận thức đúng yêu cầu chung của KTĐG, yêu cầu riêng của từng hình thức, cách thức… Sự tùy tiện và nhận thức không đúng về yêu cầu khi tiến hành kiểm tra không những phá vỡ quy chế mà còn tạo ra độ lệch, độ tin cậy thấp trong đánh giá học sinh. Những ngộ nhận về đổi mới đang là một thực tế làm xuất hiện những cách nghĩ, cách làm chủ quan, cực đoan, kém hiệu quả. Sự đổi mới không phải chỉ có ở hình thức kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan- dẫu rằng cái mới ở cách kiểm tra này là dễ thấy nhất. Đổi mới cũng không phải là sự phủ định sạch trơn những kinh nghiệm của quá khứ. Cần có suy nghĩ đúng về đổi mới: đổi mới là ở sự đa dạng, sự phối hợp, bổ sung cho nhau, sự lựa chọn tối ưu các cách thức, hình thức kiểm tra để kết quả kiểm tra có độ chính xác, độ tin cậy cao nhất, để qua kiểm tra không chỉ đánh giá mà còn để rèn luyện tính tích cực của tư duy, tính chủ động sáng tạo của học sinh trong học tập. Kết quả kiểm tra chỉ thực sự có ý nghĩa khi người kiểm tra đánh giá được đối tượng kiểm tra và người học tự đánh giá được bản thân.

 

CÁN BỘ QUẢN LÝ CÙNG ĐỒNG HÀNH 

 

Cùng với sự chủ động của giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường cũng cần tăng cường vai trò quản lý để tác động đến sự chuyển biến trong đổi mới KTĐG, thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp dạy học diễn ra nhanh hơn, có tính vững chắc hơn. Theo tôi, có ba nhóm giải pháp có tác động tích cực đến đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

 

Thứ nhất, bồi dưỡng trình độ giáo viên để đáp ứng những yêu cầu của đổi mới. Nhận thức đúng chưa đủ, giáo viên phải có khả năng thực hiện việc đổi mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói chung, trong đổi mới KTĐG nói riêng đòi hỏi việc phổ cập và không ngừng nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ giáo viên. Trình độ, sự hiểu biết sẽ góp phần tạo sự tự tin và niềm say mê của giáo viên trong công việc.

 

Thứ hai, tăng cường cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ cho hoạt động dạy học của giáo viên. Để hỗ trợ giáo viên trong việc tự bồi dưỡng, nhằm tác động tích cực đến đổi mới KTĐG, lãnh đạo nhà trường cần quan tâm đến việc tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho giáo viên ứng dụng  phần mềm soạn câu hỏi trắc nghiệm, phần mềm quản lý học sinh, lập ngân hàng đề các loại để trao đổi chuyên môn.

 

Thứ ba, kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng, cán bộ quản lý về kiểm tra, chấm bài, ghi điểm của giáo viên. Trong KTĐG, việc ra đề của giáo viên có ý nghĩa quan trọng. Một đề kiểm tra không chuẩn sẽ làm sai lệch kết quả đánh giá, hoặc gây hoang mang, hoặc đưa đến thái độ chủ quan cho cả người dạy lẫn người học. Đề kiểm tra với những câu lệnh bị công thức hóa, đơn điệu, chỉ được trình bày theo một cách, chỉ nêu lên yêu cầu về nhận biết…sẽ làm cho việc học các bộ môn KHXH khó thoát khỏi cách học từ chương, sẽ tiếp tục khuyến khích lối học vẹt. Nhận thức được vai trò quan trọng của đề kiểm tra, trong 3 năm qua, việc nhận xét, phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm các đề kiểm tra ( đặc biệt là các đề kiểm tra chung cho các lớp học cùng một chương trình) được nhà trường tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc trong sinh hoạt cấp tổ có lãnh đạo nhà trường tham dự. Nhờ vậy mà việc định hướng ra đề theo tinh thần đổi mới KTĐG càng rõ hơn, chất lượng đề kiểm tra từng bước được nâng lên, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những đề mở trong hình thức kiểm tra tự luận, ma trận của đề hợp lý hơn, khuyến khích được học sinh ở nhiều trình độ.

 

HOÀNG CẢNH

Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek