Thứ Năm, 03/10/2024 09:38 SA
Xã hội hóa giáo dục: Cần phát huy sức mạnh của cả cộng đồng
Thứ Bảy, 12/08/2006 08:23 SA

PYO có bài “Chương trình kiên cố hóa trường học ở Phú Yên: Chậm vì khó huy động 20% vốn trong dân”. Vậy làm thế nào để huy động được sự đóng góp của dân? Bài viết dưới đây nêu một số kinh nghiệm...

 

ĐA DẠNG HÌNH THỨC HUY ĐỘNG VỐN

 

An Hòa, một xã vùng biển của huyện Tuy An, đời sống người dân vẫn còn khó khăn nhưng 6 năm qua đã huy động vốn để xây dựng được 3 trường học 2 tầng là THCS Lê Văn Tám, THCS Huỳnh Thúc Kháng và Tiểu học An Hòa 2 với 25 phòng học kiên cố, 23 phòng học cấp 4. Tổng kinh phí  2 tỷ 805 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước cấp 1 tỷ 497 triệu đồng, gần 47% kinh phí còn lại là của địa phương và nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã An Hoà, cho biết: “Với người dân nơi đây, nói chuyện đi biển thì dễ chứ chuyện học thì rất khó. Chính vậy nên huy động người dân góp công, góp của xây dựng trường lớp rất nan giải. Để giải quyết “bài toán khó” ấy, lãnh đạo xã An Hòa đã đặt công tác tuyên truyền vận động lên hàng đầu vì chỉ khi người dân hiểu ra lợi ích của cái chữ thì họ sẵn sàng góp công, góp của cùng Nhà nước lo chuyện học hành của con cái”.

 

060812-truong-hoc.jpg

Trường THCS Trần Kiệt (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) được xây dựng hai tầng, kiên cố, trong đó có phần đóng góp của nhân dân - Ảnh: M.THUÝ

 

Trong khi rất nhiều địa phương được hưởng lợi từ chương trình kiên cố hoá trường lớp học (KCHTLH) đang bế tắc trong việc vận động 20% vốn đối ứng thì Xuân Lãnh, một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Xuân lại làm được điều này. Năm 2004, phân bổ danh mục, kinh phí thực hiện chương trình KCHTLH đợt 2, Xuân Lãnh được đầu tư xây dựng 2 phòng học với tổng dự toán kinh phí 207 triệu đồng. Trong đó, phần của nhân dân phải đóng góp hơn 40 triệu đồng, một khoảng lớn so với thu nhập của bà con nơi này. UBND xã Xuân Lãnh đã lên kế hoạch huy động vốn trong dân với khoản thời gian được kéo giãn ra 3 năm. Nhưng đến nay, chỉ sau 2 năm, số vốn huy động đó đã sắp hoàn thành.

 

Thế mới thấy, cái khó nhất trong việc huy động vốn dân do giáo dục chính là phương pháp triển khai. Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương vận động nhân dân đóng góp không nhất thiết phải bằng tiền mà có thể bằng ngày công, vật liệu… và quan trọng hơn cả là phải làm sao để bà con hiểu rõ sự cần thiết của việc KCHTLH cho con em.

 

CẦN CÓ SỰ ĐỒNG THUẬN TỪ NHIỀU PHÍA

 

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư còn hạn chế thì các hình thức xã hội hoá giáo dục như: huy động các nguồn lực xã hội, tăng cường khả năng phục vụ nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân, phát huy khả năng các thành viên nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo… đã góp phần nâng cao yêu cầu phục vụ xã hội về GD – ĐT.

 

Toàn tỉnh hiện có 5.288 phòng học thuộc các cấp học. Trong đó, mới chỉ có 1.491 phòng học được xây dựng kiên cố, còn lại là cấp 4. Phần lớn phòng học kiên cố thuộc các địa phương có phong trào xã hội hoá giáo dục mạnh như huyện Phú Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà và TP Tuy Hoà. Cả tỉnh có hơn 50 trường học đạt chuẩn quốc gia, hầu hết thuộc các địa phương trên.

Ông Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Hòa, cho biết: “20 trường học được kiên cố, 16/34 trường đạt chuẩn quốc gia ở Phú Hòa đều từ xã hội hoá giáo dục mà nên”. Từ không có ngôi trường tầng nào, vậy mà chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, toàn huyện không một xã nào là không có trường tầng kiên cố và đạt chuẩn. Phú Hòa trở thành điển hình của ngành Giáo dục Phú Yên trong công tác KCHTLH. Về bí quyết thành công, ông Học khẳng định: “Chủ trương xã hội hoá giáo dục được HĐND, UBND huyện cụ thể hoá thành nghị quyết, vạch rõ các chỉ tiêu và giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo, cán bộ các xã thực hiện. Trên cơ sở đó, các xã, các trường lập kế hoạch xây dựng trường cho xã mình. Xã hội hoá giáo dục sẽ chỉ thực hiện được khi có sự đoàn kết, nhất trí của nhiều ngành, nhiều cấp và nhất là người dân”.

 

Phong trào xã hội hoá ở Phú Yên chưa có sự đồng đều giữa các địa phương là do mỗi nơi mỗi kiểu, chưa có sự nhất quán. Nhiều nơi chỉ chú ý đến việc huy động sự đóng góp của nhân dân mà chưa quan tâm nhiều tới việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xây dựng nền nếp học tập, nâng cao chất lượng dạy và học, chưa thu hút được sự quan tâm của người dân tới sự nghiệp GD – ĐT… Ở một số địa phương, hoạt động của Hội đồng giáo dục còn tỏ ra lúng túng, chưa phát huy được vai trò trong đôn đốc, kiểm tra các ngành, các lực lượng xã hội thực hiện cam kết.

 

Trong 5 năm (2006 – 2010), việc thực hiện chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra về phát triển đồng bộ chất lượng và cơ sở vật chất của giáo dục sẽ phụ thuộc không nhỏ vào quyết tâm của người làm công tác quản lý và sự ủng hộ của nhân dân đối với sự nghiệp trồng người. Ông Trần Văn Chương, Giám đốc Sở GD – ĐT, khẳng định: “Xã hội hoá giáo dục là một cuộc huy động toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi nhân tố, mọi lực lượng. Do đó, vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương rất quan trọng trong quá trình huy động cộng đồng tham gia. Xã hội hoá giáo dục cần được HĐND, UBND thể chế hoá thành nghị quyết, chương trình, mục tiêu cụ thể để thực hiện cho từng giai đoạn”.

 

MẠNH THUÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek