Thứ Năm, 10/10/2024 13:21 CH
Đào tạo nghề liên thông lên cao đẳng, đại học:
Cơ hội để HS-SV trường nghề “nâng tầm”
Chủ Nhật, 19/09/2010 11:00 SA

Để “hút” học sinh đến với trường nghề, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH). Đây sẽ là cơ hội để sinh viên các trường nghề có thể học lên các cấp học cao hơn.

 

dien-tu100919.jpg

Giờ thực hành của sinh viên hệ cao đẳng nghề điện tử ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: M.THÚY

 

CƠ HỘI NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CHO HS-SV TRƯỜNG NGHỀ

 

Theo dự thảo, những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề cùng ngành nghề đào tạo được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Người đã tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp THCS phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thời gian đào tạo liên thông từ trung cấp nghề lên trình độ CĐ và từ CĐ nghề lên trình độ ĐH được thực hiện từ 1,5-2 năm học; từ trung cấp nghề lên trình độ đại học được thực hiện từ 3-4 năm học.

 

Theo dự thảo, trường CĐ, ĐH được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề lên CĐ, từ CĐ nghề lên ĐH phải đảm bảo các điều kiện: có quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ CĐ, ĐH; đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Các trường trung cấp nghề, CĐ nghề có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường cho các trường CĐ, ĐH để làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH.

 

Xu hướng hiện nay của một bộ phận thanh niên, học sinh là vừa có tay nghề tốt, vừa có cơ hội học lên cao hơn. Trong khi mỗi năm chỉ có khoảng 20% học sinh vào được các trường ĐH, số còn lại phải “rẽ” sang những hình thức đào tạo khác. Thế nhưng, mùa tuyển sinh nào, các trường nghề cũng tuyển không đủ chỉ tiêu.

 

Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên Lâm Đạo Hải cho biết: Điểm lại lĩnh vực đào tạo nghề tại Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung có thể thấy rằng lĩnh vực này đang tồn tại song song hai hình thức: CĐ, trung cấp nghề do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội quản lý và CĐ, trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lý. Thực tế cho thấy, cứ đơn vị nào có gắn thêm chức năng “đào tạo liên thông” thì có thể thu hút được nhiều học sinh vào học. Xét về chuyên môn đào tạo, các ngành học của cả hai hệ thống đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội hay Bộ GD-ĐT đều tương tự nhau; nếu có khác biệt thì đó là chương trình đào tạo tổng quát của trường nghề có tỉ lệ thực hành cao hơn. Do đó, xét về hiệu quả đào tạo, học sinh trường nghề có kỹ năng thành thục hơn những học sinh trường chuyên nghiệp. Nhưng điều đáng nói là học sinh, sinh viên học nghề ở các trường thuộc Bộ GD-ĐT lại có cơ hội học lên CĐ, ĐH với nhiều chương trình đào tạo liên thông tốt hơn, trong khi học sinh trường nghề lại không có cơ hội này.

 

Do đó, các nội dung của dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH được liên bộ GD-ĐT và Lao động - Thương binh - Xã hội công bố hồi tháng 7/2010 sẽ là cơ hội để sinh viên các trường nghề có thể học lên các cấp học cao hơn.

 

CẦN PHỐI HỢP CHẶT CHẼ

 

Theo ông Lâm Đạo Hải, trở ngại lớn nhất hiện nay trong quá trình thực hiện việc liên thông này là sự bị động từ cả hai phía, vì chương trình đào tạo liên thông phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT; việc xây dựng chương trình đào tạo liên thông được thực hiện theo nguyên tắc bù đủ những khối lượng kiến thức/kỹ năng còn thiếu, tránh trùng lặp để đảm bảo đạt chuẩn trình độ CĐ, ĐH. Đối với trường nghề, chương trình đào tạo tổng quát có tỉ lệ thực hành cao, rất ít các kiến thức hàn lâm, trong khi đó, chương trình đào tạo trình độ CĐ, ĐH lại có quá nhiều kiến thức hàn lâm. Để tránh trùng lặp và đảm bảo đạt chuẩn trình độ CĐ, ĐH phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường nghề và các trường CĐ, ĐH.

 

Theo dự thảo Thông tư liên tịch, bắt đầu từ năm nay, tất cả hệ thống giáo dục dạy nghề, bao gồm trung cấp, cao đẳng nghề thuộc Bộ GD-ĐT hay Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đều có thể liên thông lên ĐH. Nhưng trong thực tế để xây dựng được quy chế, chương trình đào tạo liên thông là vấn đề không hề dễ dàng. Hiện các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Phú Yên đang so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức, tỉ lệ về thời lượng giữa lý thuyết và thực hành, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình trung cấp nghề, cao đẳng nghề với chương trình đào tạo CĐ, ĐH của cùng ngành nghề đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo liên thông, trình Bộ GD-ĐT xem xét. Theo các trường, một khi quy chế cho phép, các trường sẵn sàng nhận học sinh có bằng cấp trường nghề để đào tạo.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek