Thứ Năm, 10/10/2024 17:26 CH
Đổi mới phương pháp giáo dục:
Phụ thuộc vào giáo viên
Thứ Ba, 14/09/2010 16:00 CH

Sở GD-ĐT Phú Yên vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn trung học năm học 2010-2011. Trong đó, có một số yếu tố mới như đổi mới phương pháp dạy học, cách đánh giá, kiểm tra thi cử… được đưa vào nhà trường. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư xung quanh vấn đề này.

 

thu100914.jpg

Ông Ngô Ngọc Thư - Ảnh: M.THUÝ

* Ông có thể cho biết những điểm mới được ngành GD-ĐT triển khai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trung học trong năm học này?

 

- Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là hai yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục trung học trong năm học 2010-2011. Trong đó, bên cạnh việc yêu cầu giáo viên dạy và kiểm tra đánh giá học sinh đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng, Sở GD - ĐT bắt buộc giáo viên căn cứ vào trình độ, đặc điểm của học sinh mà lập kế hoạch dạy học trong năm cho các lớp mình phụ trách. Mỗi giáo viên phải có đề cương cho từng bài, từng chương và toàn bộ chương trình của bộ môn mình phụ trách để hệ thống hóa kiến thức đã học của môn học trong cả năm học, trong cả cấp học, tạo điều kiện cho học sinh nắm chắc kiến thức đã học để có thể vận dụng trong làm bài.

 

Trong năm học này, Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên các trường THCS, THCS và THPT chấm dứt lối dạy thụ động theo kiểu “thầy đọc – trò chép” thuần túy, thay vào đó là đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh. Đổi mới yêu cầu kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính độc lập suy nghĩ, nắm vững bản chất, vận dụng được và vận dụng sáng tạo kiến thức đã học. Xem việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là một tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại giáo viên. Không xếp loại khá, tốt cho những giáo viên chưa đổi mới hoặc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá nhưng chưa đạt hiệu quả.

 

* Có ý kiến cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học nhưng khâu kiểm tra đánh giá, ra đề kiểm tra không đổi mới thì cũng như không? 

 

- Song song với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, trong năm học 2010-2011 Sở GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới kiểm tra đánh giá. Theo đó, Sở yêu cầu trong năm học này, khi ra đề kiểm tra định kỳ, giáo viên phải bám vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi chuyển cấp của Sở. Đối với một số môn khoa học xã hội, giáo viên cần từng bước đổi mới kiểm tra đánh giá bằng cách nêu vấn đề mở để học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức và kỹ năng đã học. Đề kiểm tra phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, dành tối thiểu 50% đề bài cho các nội dung thông hiểu, vận dụng sự sáng tạo của học sinh. Trong năm học này, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ 1 theo đề chung 8 môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh) khối lớp 12 để đánh giá khách quan về chất lượng. Không vì mục tiêu phổ cập mà hạ thấp yêu cầu, xuê xoa trong kiểm tra đánh giá. Các trường cần kiên quyết cho ở lại lớp những học sinh yếu kém đã được phụ đạo nhưng không tiến bộ hoặc không đi học phụ đạo. Cần coi trọng chất lượng lớp cuối cấp để đảm bảo học sinh đủ năng lực hoàn thành nội dung chương trình và đạt yêu cầu tốt nghiệp.

 

co-giao.100914jpg.jpg

Giờ học Văn của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi  - Ảnh: T.HẰNG

 

* Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tiếng Anh là một trong những môn học có điểm trung bình thấp nhất. Ngành GD-ĐT có biện pháp gì để khắc phục yếu điểm này, thưa ông?

 

-Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008, Phú Yên chỉ có 38% học sinh đạt điểm trung bình trở lên đổi với môn Tiếng Anh; năm 2009, tỉ lệ này được nâng lên gần 50%. Để nâng cao chất lượng dạy học môn ngoại ngữ, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức hội nghị khoa học dạy học môn Tiếng Anh cấp trường, sau đó tổ chức hội nghị khoa học cấp tỉnh về môn học này để tìm ra các phương phương dạy học tích cực. Sở khuyến khích các trường tổ chức các hình thức bồi dưỡng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh cho học sinh (phụ đạo, câu lạc bộ, đố vui để học, làm báo tường bằng tiếng Anh…).

 

* Ai sẽ thẩm định việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, thưa ông?

 

- Ban Giám hiệu nhà trường sẽ thẩm định và kiểm tra việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên. Giáo viên là chủ thể đổi mới, là người chủ động tìm ra phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, nếu chỉ mình giáo viên chủ động đổi mới thì đổi mới sẽ chỉ mang tính tự phát, đơn lẻ và rất khó hình thành được phong trào. Trong khi tính tự phát thường ít khi mang lại hiệu quả cao, càng rất khó đạt hiệu quả đồng bộ. Đây cũng chính là nguyên do làm cho phong trào đổi mới đã có từ lâu nhưng chưa trở thành việc làm thường xuyên của giáo viên. Người thầy luôn giữ vai trò quan trọng có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vai trò quan trọng của người thầy là biết vận dụng một cách sáng tạo những phương pháp mới, phương tiện mới như thế nào cho thích hợp, để tạo ra sự hứng thú học tập, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong mỗi giờ học. Chỉ có như vậy mới đem lại hiệu quả thiết thực đối với quá trình dạy và học.

 

*Xin cám ơn ông!

 

THÚY HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek