Đời sống của nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Nhu cầu vay vốn cải thiện đời sống của chị em đang rất lớn. Do vậy, công tác xoá đói giảm nghèo cho phụ nữ nghèo luôn được đặt ra cấp thiết.
Thành lập tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm - một cách xóa đói giảm nghèo hiệu quả của phụ nữ nông thôn - Ảnh: Ngọc Dung |
Từ nhiều năm nay bằng các hình thức trợ vốn của các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: khai thác các nguồn vốn xoá đói giảm nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ và giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo đã giải quyết cho hàng trăm lượt phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay để cải thiện cuộc sống. Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, thành lập tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm (PNTK) bằng cách huy động số tiền sẵn có trong chị em. Bên cạnh việc tự tạo nguồn vốn tại chỗ, những thành viên tham gia sinh hoạt trong nhóm còn chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng vốn hiệu quả, giúp nhau ngày công, con giống, lúa, gạo, tiền để mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Nó đã góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn trong chị em, trước đây nhiều PN nghèo cần vốn nhưng do nghèo khó, không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng đành chấp nhận đi vay nặng lãi thì nay đã giảm bớt. Các mô hình tín dụng tiết kiệm này đã tạo cơ hội cho phụ nữ nghèo. Qua các vòng vay, chị em đã đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, mua sắm được nhiều vật dụng trong nhà, cải thiện đáng kể đời sống kinh tế gia đình mình.
Chị Huỳnh Thị Tuyết thôn Qui Hậu, xã Hoà Trị (huyện Phú Hoà) bày tỏ: “Không có sự giúp đỡ của mấy chị ở Hội phụ nữ xã, mẹ con tui sẽ không có được như ngày hôm nay”. Chồng mất cách đây năm năm, chị một thân một mình tảo tần nuôi ba đứa con nhỏ. Mấy năm trời làm thuê cuốc mướn, đi se nhang cho người ta, rồi lại lên núi bứt mây về bán, nhưng mẹ con chị vẫn không đủ ăn. Trong năm 2004 nhờ vay được 3 triệu đồng từ quỹ xoá đói giảm nghèo chị mua một con bò cho các con chăn dắt. Đến năm 2005, chị đã tô lại được căn nhà, xây chuồng heo - điều mà rất nhiều năm chị không thể thực hiện. Chị Tuyết không giấu được niềm vui: “Tất cả cũng nhờ số tiền lãi có được từ việc nuôi con bò từ vốn vay đấy. Hơn nữa mấy chị trong nhóm PNTK còn cho tui vay tiền để nuôi heo, nên cuộc sống của mẹ con tui đỡ hơn trước đây nhiều”.
Một điều không thể phủ nhận là chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong đời sống của phụ nữ cơ sở. Nhiều lao động nữ nghèo ở vùng nông thôn, miền núi đã có việc làm. Hàng trăm lượt phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong tỉnh đã được vay vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh đã huy động trên 18 tỷ 800 triệu đồng từ nguồn vốn sẵn có trong chị em. Từ số tiền này, đã có trên 32 nghìn lượt hộ nghèo vay. Đặc biệt, qua 3 năm thực hiện Đề án xoá 1.300 hộ phụ nữ nghèo giai đoạn 2003-2005, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã huy động được trên 171 tỷ 493 triệu đồng từ các nguồn vốn tín dụng, vốn tự có trong chị em, giúp cho 63.208 hộ phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình. 3 năm thực hiện đề án này đã có 1.160 hộ phụ nữ thoát nghèo.
Hiện nay, đời sống phụ nữ cơ sở còn nhiều khó khăn, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống của chị em là rất lớn. Vì thế, chủ trương của chúng tôi là đẩy mạnh việc khai thác các nguồn vốn vay cũng như các phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nhằm hỗ trợ những điều kiện tốt nhất để chị em thoát khỏi nghèo đói, có cuộc sống ổn định - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Nguyễn Thị Thanh Thừa cho biết như vậy.
THUỶ VĂN