Hiện có đến 84,7% lao động ở Phú Yên chưa qua đào tạo nghề. Trong khi đó, các trung tâm dạy nghề, dù được đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học, lại rất thiếu vắng học viên.
84,7% LAO ĐỘNG CHƯA QUA ĐÀO TẠO
Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ đào tạo nghề trong cả nước tăng bình quân hàng năm trên 6% (trong đó hệ dài hạn tăng 15%). Các hình thức dạy nghề được đa dạng hoá, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường lao động. Ở Phú Yên, ngoài hệ thống dạy nghề chính quy trong các trường học, thông qua các tổ chức không chính quy như hợp tác xã, các hội đoàn thể, nhiều người đã được học nghề. Theo thống kê mới nhất, tổng số người trong độ tuổi lao động ở Phú Yên có khoảng hơn 500.000 người, mỗi năm được bổ sung thêm trên 10.000 lao động, trong đó lao động nông thôn chiếm gần ba phần tư. Tuy nhiên hiện tổng số lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm đến 84,7%, lao động công nhân kỹ thuật trung cấp trở lên chỉ có 10,25%.
Tỷ lệ công nhân kỹ thuật ở Phú Yên hiện chỉ chiếm 10,2% trong tổng số lao động – Ảnh: THÚY HẰNG
CÁC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ THIẾU VẮNG HỌC VIÊN
Gần đây, với chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, một số địa phương đã thành lập trung tâm dạy nghề. Học viên theo học đều được miễn hoàn toàn học phí. Thế nhưng số học viên tìm đến các trung tâm này vẫn rất hạn chế.
Tại Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hoà, nhìn các phương tiện máy móc, thiết bị nghề học có giá trị bạc tỷ phải trùm mền vì chưa có học viên theo học mà chạnh lòng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hòa cho biết: “Lao động đăng ký học nghề ở trung tâm rất ít. Năm 2005 trung tâm được Sở Lao động thương binh xã hội Phú Yên cấp 104 triệu đồng nhưng vì ít học viên nên đành phải trả lại trên 37 triệu đồng”. Nhiều trung tâm dạy nghề của các địa phương khác cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Ông Trần Đắc Lạc, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghiệp Tuy Hoà cho biết: “Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp nghề sau khi ra trường đều tìm được việc làm. Thị trường lao động đang có nhu cầu rất lớn, song tỷ lệ tuyển sinh đầu vào của hệ đào tạo nghề hàng năm vẫn chưa đáp ứng đủ so với chỉ tiêu được đào tạo”.
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP – CẦN CỤ THỂ HOÁ
Trước thực trạng trên, vấn đề đặt ra là cần tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp cho người lao động giúp cho người lao động có những thông tin cần thiết để có thể lựa chọn những nghề tốt nhất phù hợp với khả năng của cá nhân và thị trường lao động. Do đó, để giúp người lao động tự quyết định một cách có ý thức trong việc lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm tâm lý, khả năng cùng với nhu cầu của xã hội thì trước khi đào tạo một nghề nào đó, người lao động cần thiết phải nắm được những thông tin cụ thể về những loại hình sản xuất, tình hình lao động, những yêu cầu nhân lực của các ngành kinh tế, điều kiện tiếp cận, yêu cầu do các ngành nghề đòi hỏi. Một khi giải quyết tốt vấn đề định hướng trong chính bản thân mỗi người sẽ góp phần giải quyết tốt nhiều vấn đề của xã hội.
THUÝ HẰNG