sau 2 năm thí điểm, 2006-2007 sẽ là năm học đầu tiên triển khai đại trà phân ban THPT trên toàn quốc. Cũng từ năm học này, khái niệm phân ban sẽ có thêm một khái niệm mới: phân ban kết hợp với tự chọn.
BAN CƠ BẢN SẼ CÓ THÊM PHẦN TỰ CHỌN
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về tỷ lệ các ban trong toàn quốc: Ban cơ bản: 67,2%; ban KHTN: 21,35%; ban KHXH-NV: 12%.
Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết: phương án phân ban mới gồm có 3 ban. Ban Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh. Ban Khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV) gồm các môn: Văn, Sử, Địa và thêm môn Ngoại ngữ. Hai ban này không dạy học các môn tự chọn nâng cao, chỉ thực hiện dạy học tự chọn theo chủ đề bám sát các môn học trong kế hoạch giáo dục. Ban cơ bản phân hóa thành tự chọn: học sinh có thể học 3, 2 hoặc 1 môn tự chọn nâng cao hoặc chỉ học các chủ đề tự chọn nâng cao, bám sát. Cụ thể: học sinh có thể chọn 3 môn nâng cao: Toán - Vật lý - Hóa; hoặc Toán - Hóa - Sinh; hoặc Ngữ văn - Lịch sử - Địa; hoặc Toán - Ngoại ngữ, hoặc chỉ chọn 2 hay 1 môn nâng cao.
Tỷ lệ học sinh đăng ký vào các ban lớp 10 có sự chênh lệch lớn - Ảnh: TTO |
Về cách chọn theo chủ đề tự chọn thì chọn các chủ đề nâng cao của 8 môn: Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ và các chủ đề bám sát của các môn học có trong kế hoạch (không học các môn tự chọn theo sách giáo khoa nâng cao). Lần đầu tiên trong “lịch sử” nền giáo dục Việt
XU HƯỚNG HAY LÀ THẤT BẠI?
Sở dĩ có khái niệm tự chọn (một khái niệm khá mới kể từ khi Bộ GD-ĐT thí điểm phân ban) trong chương trình phân ban năm học 2006-2007, theo sự lý giải của ông Lê Quán Tần thì phương án này là kết hợp phân ban với tự chọn, để tiến tới học sinh có quyền lựa chọn các môn học, bỏ hẳn phân ban. Vì vậy, ban cơ bản có tính linh hoạt cao, dù thay đổi hình thức thi như thế nào thì ban này đều thích ứng được. “Ban cơ bản mang trong nó sự phân hóa”, ông Tần nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc giám đốc các sở GD-ĐT cho biết nhiều tỉnh lựa chọn ban cơ bản, vậy sẽ xảy ra tình trạng quá “lệch” giữa các ban không? Ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giáo dục nói: “Theo dự đoán của những người thiết kế và chịu trách nhiệm về đề án phân ban, ban cơ bản sẽ chiếm khoảng 60%; ban KHTN: 30% và ban KHXH-NV: 10%. Đây là tỷ lệ đẹp và “lý tưởng”. Theo con số thống kê của Viện chiến lược, tỷ lệ ban cơ bản có nơi dao động từ 60 đến 65%, có tỉnh có thể lên tới 70%”. Ông Châu khẳng định: “Nói một cách cực đoan, nếu ban cơ bản có chiếm tới 90% thì cũng là tín hiệu đáng mừng”, vì theo ông: “Việt Nam phải tiến tới phân hóa dạy học theo hướng tự chọn, có nghĩa là giao việc phân hóa cho từng cá nhân người học. Trước mắt phải chấp nhận giải pháp phân ban kết hợp với tự chọn để chuẩn bị cho tương lai dạy học theo tự chọn, và nếu nói một cách văn vẻ thì ban cơ bản là “hình bóng” của tương lai. Đối với những khó khăn chưa làm được khi phân ban, ban cơ bản sẽ là giải pháp tình thế cho các địa phương này”.
Với cách giải thích của ông Lê Quán Tần và ông Nguyễn Hữu Châu, có vẻ như “bức tranh” phân ban đã sáng sủa hơn như cách nói của Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng: “Những điều khó nhất của phương án phân ban đã rõ ràng”. Thực tế là tại Hội nghị giám đốc các sở GD-ĐT vừa qua, không ít giám đốc các sở khẳng định: phương án phân ban sẽ thất bại do thí sinh chỉ đổ xô vào ban cơ bản. Ví dụ, Sở GD-ĐT Bắc Kạn cho biết: Bắc Kạn có 15 trường THPT thì 90% trường chọn ban cơ bản. Một số trường trung tâm có khả năng học 3 ban chỉ có khoảng 3 trường. Nam Định có tới 90% số lớp đăng ký vào Ban cơ bản, ban tự nhiên chỉ có 9% và 1% vào ban KHXH-NV. Còn Kon Tum, một trong những tỉnh thực hiện thí điểm phân ban, thì toàn tỉnh có 15 trường THPT, khoảng 70% học sinh vào ban cơ bản, 20% vào ban KHTN, 10% vào ban KHXH-NV... Với những địa phương khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên vừa yếu vừa mỏng, sự ra đời ban cơ bản thực sự là lời giải cho bài toán phân ban hết sức nan giải ở đây. Nhưng ngay cả những địa phương ở các vùng thuận lợi thì tỷ lệ học sinh có nguyện vọng vào ban cơ bản cũng chiếm tỷ lệ rất cao.
Một số các trường chuyên cho biết chỉ chọn ban cơ bản mà không chọn 2 ban kia. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT và những người thiết kế đề án phân ban đã không thừa nhận chương trình thí điểm phân ban trong 2 năm qua đã thất bại, dù trên thực tế đúng như vậy! Và với xu hướng “ban cơ bản là hình bóng của tương lai” thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, các ban KHTN và ban KHXH-NV sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn?
THU HỒNG