Chủ Nhật, 13/10/2024 15:18 CH
Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật, cách nào?
Thứ Bảy, 15/05/2010 13:00 CH

Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh dịch vụ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

 

nghe1-100515.jpg
Học nghề Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên. - Ảnh: T.HẰNG

 

NÂNG CAO NĂNG LỰC NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Trong 10 năm qua, mạng lưới dạy nghề tỉnh Phú Yên đã được khôi phục và có bước phát triển mạnh. Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã phủ sóng hầu hết trên các địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực (khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỉ lệ này đạt trên 90%).

 

Thách thức lớn hiện nay đối với Phú Yên là chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, thiếu công nhân lành nghề; lao động nông thôn chủ yếu chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Phú Yên thấp… Vì vậy, cần phải đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo có kỹ năng nghề và có năng lực làm việc trong môi trường đa văn hóa.

 

Mục tiêu tổng quát phát triển dạy nghề của Phú Yên đến năm 2020 là dạy nghề đáp ứng nhu cầu về nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh với trình độ cao, lành nghề, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất nhân cách, năng lực nghề nghiệp và thể chất phục vụ cho các ngành kinh tế. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, để tạo bước đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh như: điện tử, lọc dầu, đóng tàu, chế biến thủy sản, sản xuất điện - nước. Phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang màu sắc riêng…, và xuất khẩu lao động; mở rộng quy mô dạy nghề cho người lao động, phục vụ có hiệu quả cho chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, cải thiện đời sống cho người lao động. Đến năm 2020, số lao động qua đào tạo nghề khoảng 282.600 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 112.000 người; nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%; trong đó, trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề khoảng 28% - 30% và khoảng 90% số người học nghề có việc làm, trong đó 70% có việc làm đúng với nghề được đào tạo. Trong giai đoạn 2011-2020 dạy nghề phải thực hiện được hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, đó là: đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh có trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cấp trình độ và có chất lượng cho các ngành, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn; Mở rộng quy mô dạy nghề cho người lao động ở nông thôn nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo vững chắc.

 

CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động, nâng cao mức sống cho người lao động. Đào tạo tốt nguồn nhân lực chính là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện đạt hiệu quả những mục tiêu này, theo tôi trước hết phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và xã hội về dạy nghề; phải nhận thức đúng vị trí, vai trò của dạy nghề trong giải quyết việc làm, trong đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực. Nâng cao nhận thức của các doanh nhân về lợi ích của dạy nghề đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào dạy nghề.

 

nghe-100515.jpg

Học nghề Điện dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề  Phú Yên -  Ảnh: T.HẰNG

 

Thứ hai, phát triển mạnh hệ thống dạy nghề đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô, cơ cấu nghề đào tạo cho các ngành kinh tế và phổ cập nghề cho thanh niên. Hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tỉnh trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của Phú Yên, ngành, vùng, tiểu vùng, địa phương, đảm bảo yêu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật và nâng cao trình độ nghề cho người lao động với cơ cấu hợp lý về trình độ đào tạo; liên thông giữa các trình độ đào tạo, linh hoạt, dễ tiếp cận và huy động được các lực lượng xã hội tham gia; đáp ứng nhu cầu học nghề của mọi người, quan tâm các nhóm nghề mà xã hội, thị trường lao động đang cần; gắn với nhu cầu việc làm trong nước và cho xuất khẩu lao động.

 

Thứ ba, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề theo nghề, cấp trình độ để tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực kỹ thuật.

 

Thứ tư, phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học giáo dục trong công tác dạy nghề nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề; xây dựng các tiêu chuẩn trong hoạt động dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đồng bộ theo chuẩn, hiện đại và tương ứng với kỹ thuật, công nghệ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể quan trọng trong đào tạo nghề. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập trường nghề, liên kết với trường nghề trong đào tạo và giải quyết việc làm; nhận học sinh, sinh viên của nhà trường đến doanh nghiệp thực hành, thực tập. Xây dựng các mô hình, hình thức và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo.

 

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế dạy nghề, nhất là cơ chế tài chính đảm bảo lợi ích đối với người dạy nghề, người học nghề, người lao động qua đào tạo nghề (tiền lương, vinh danh…)… tạo động lực cho việc dạy và học nghề.

 

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về dạy nghề, mở rộng trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước phát triển về các hoạt động dạy nghề. Khuyến khích các trường trong nước hợp tác với các trường đào tạo nghề của các nước phát triển về trao đổi chương trình đào tạo, giáo viên, chuyên gia đào tạo; chuyển giao công nghệ, phương pháp giảng dạy. Tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về dạy nghề.

 

NGUYỄN TÀI SOA

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek