Thứ Hai, 14/10/2024 03:23 SA
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010:
Bên thừa, bên thiếu
Thứ Tư, 21/04/2010 14:00 CH

Cán cân tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 đang bị “lệch” rất nhiều về phía nhóm ngành kinh tế, tài chính, công nghệ, trong khi thị trường đang rất “khát” nhân lực ở nhiều nhóm ngành khác như nông nghiệp, xã hội và nhân văn lại rất ít thí sinh đăng ký dự thi.

 

huong-dan100421.jpg

Hướng dẫn học sinh ôn luyện môn Tiếng Anh ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: T.HẰNG

 

CUNG - CẦU LỆCH NHAU

 

Trong số hơn 19.300 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2010 gởi về Sở GD – ĐT Phú Yên thì có đến khoảng 40% thí sinh lựa chọn vào nhóm ngành kinh tế, tài chính, công nghệ. Chỉ có khoảng 10% hồ sơ đăng ký dự thi các ngành thuộc nhóm nông – lâm – ngư, xã hội nhân văn. Ngay cả Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi năm có đến gần 1.000 thí sinh dự thi thì nay chỉ còn 218 hồ sơ đăng ký dự thi. Hay như Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, năm nay chỉ có 267 hồ sơ đăng ký dự thi, trong khi năm trước có hơn 500 hồ sơ đăng ký dự thi.

 

Ông Trần Đức Phúc, chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD – ĐT Phú Yên cho biết: Năm 2010 Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh có đến hơn 1.000 hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng số hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành chế biến lâm sản; chế biến thủy sản; phát triển nông thôn và khuyến nông, cơ khí nông lâm, nuôi trồng thủy sản… ở trường này lại rất ít.

 

Qua phân loại hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh cho thấy, nhóm ngành xã hội nhân văn ở hầu hết các trường đều rất ít hồ sơ đăng ký dự thi. Ngay cả Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, năm nay dù tuyển thêm các khối ngành khác ngoài khối C, D truyền thống để mở rộng vùng tuyển, song vẫn không thu hút được thí sinh Phú Yên đăng ký dự thi. Còn các trường đại học, cao đẳng mới ra đời hiếm có trường mở ngành thuộc khối xã hội nhân văn.

 

Theo các chuyên gia giáo dục, việc thí sinh đổ xô vào nhóm ngành kinh tế, tài chính, công nghệ, bỏ quên nhiều nhóm ngành khác, đặc biệt là nhóm ngành xã hội nhân văn có thể dẫn đến việc “lệch” cung - cầu. Sinh viên học ngành kinh tế, tài chính, công nghệ ra trường lúc ấy sẽ bị bão hòa, khó tìm việc trong khi nhiều ngành khác lại “khát” nhân lực. Kinh nghiệm chọn ngành, chọn nghề cho thấy những ngành có phạm vi đào tạo rộng sẽ giúp người lao động dễ có việc làm, còn những ngành phạm vi đào tạo hẹp hoặc chuyên biệt đặc thù sẽ khó xin việc.

 

Sau 9 năm thực hiện thi “ba chung”, hằng năm, tính bình quân trên quy mô cả nước, số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thường chiếm khoảng 60 - 70%, còn lại là trúng tuyển theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Do đó, tìm kiếm những ngành ít phải cạnh tranh ở đầu vào nhưng lại có lợi thế ở đầu ra là một lựa chọn khôn ngoan của thí sinh.

 

SƯ PHẠM “MẤT GIÁ”

 

Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh có hơn 870 hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2010, nhưng không có thí sinh nào chọn thi ngành sư phạm. Các trường THPT Nguyễn Huệ, THPT Ngô Gia Tự, THPT Lê Hồng Phong, mỗi trường có đến cả ngàn hồ sơ đăng ký dự thi nhưng số lượng hồ sơ dự thi ngành sư phạm của mỗi trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Qua phân loại hồ sơ cho thấy, chưa năm nào, lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành sư phạm ít như năm nay. Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang mỗi trường có chưa đến 100 hồ sơ đăng ký dự thi, trong khi trước đây bình quân các trường này có đến gần 1.000 thí sinh đăng ký dự  thi.

 

Theo các trường, nguyên nhân ngành sư phạm “mất giá” là vì… rất khó xin việc. Hiện nay trên địa bàn Phú Yên vẫn còn khá nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm đang chờ việc, vì vậy, dù điểm đầu vào của các trường sư phạm gần đây tương đối thấp, song thí sinh không mặn mà. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho Trường Đại học Phú Yên gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh các năm qua vì ngành đào tạo chủ lực của trường là sư phạm. Nhờ có sự liên kết với Đại học Huế tuyển sinh các khối ngành kinh tế nên năm nay lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường Đại học Phú Yên tăng với hơn 900 hồ sơ.

 

Nhiều người cho rằng, khi chế độ đãi ngộ, chính sách, phụ cấp cho người thầy tốt hơn mới mong có thí sinh thi vào nhóm ngành sư phạm nhiều được.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek