Thứ Năm, 03/10/2024 22:25 CH
Đầu tư nhân lực cho sự phát triển
Thứ Hai, 17/07/2006 07:15 SA

Nhân tố con người có ý nghĩa quyết định đối với mọi cuộc cách mạng, lịch sử loài người đã khẳng định điều đó. Phương tiện vật chất kỹ thuật ngày càng hiện đại, có thể thay thế sức người, song nó không thể thay thế hoàn toàn, vì chính con người sáng chế, sản xuất ra các phương tiện vật chất đó. Người xưa từng nói “nhân định thắng thiên” là muốn nói đến và đề cao vai trò của con người cả trong ý chí và hành động. Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng khẳng định vai trò to lớn của con người trong tiến trình phát triển của nhân loại: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

 

060717-hoc-dien.jpg

Để Phú Yên sớm thoát khỏi tỉnh nghèo và phát triển bền vững, cần một chính sách đào tạo nhân lực sát hợp thực tiễn và có tầm nhìn xa. Trong ảnh: Đào tạo nghề ở Trường dạy nghề Phú Yên - Ảnh: Thúy Hằng

 

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đặt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến mau lẹ. Xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tạo ra cả môi trường thuận lợi, cả thử thách gay go, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta có những quyết sách mới trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng. Trong đó, quyết sách về con người đang được đặt lên hàng đầu “nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, trọng dụng nhân tài” là phương châm của chúng ta trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Đối với Phú Yên muốn “thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo”, trước hết phải quan tâm yếu tố con người.

 

BỨC XÚC VỀ CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC

 

Phải nhận thấy rằng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao kiến thức hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Trình độ, năng lực quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ và lực lượng lao động nói chung còn yếu kém.

 

060717-hoc-nghe.jpg

Để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần có một đội ngũ lao động kỹ thuật cao Ảnh: Mạnh Thúy

Một thực tế rõ ràng là dù tỉnh đã có chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ”, nhưng đa số sinh viên khá giỏi khi ra trường đều không muốn về Phú Yên làm việc. Ngược lại có sinh viên giỏi “ngồi chơi xơi nước” chờ nhận nhiệm sở 2-3 năm không được đành xin đi làm việc ở TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh khác. Rõ ràng chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ” chưa thật sự đi vào cuộc sống. Bệnh cửa quyền, vòi vĩnh… chính là nguyên nhân cản trở một chủ trương lớn đúng đắn của tỉnh. Nhiều người nói rằng nếu không có “lót tay” thì đừng mong xin được việc làm. Nhưng chưa thấy có cuộc điều tra nào để “chỉ mặt đặt tên”. Chất lượng đào tạo đang là vấn đề bức xúc của toàn ngành giáo dục, và hệ quả là các địa phương, doanh nghiệp phải gánh chịu. Có người cầm chắc 2-3 bằng đại học trong tay, cả chính quy và tại chức nhưng sau 2-3 năm về nhiệm sở mặc dù đúng ngành nghề đào tạo vẫn phải “đào tạo lại”, “bồi dưỡng thêm” mới làm được việc. Rồi tình trạng làm công việc trái nghề, do không xin được việc làm theo ngành học, buộc phải “đào tạo lại”, tốn không ít tiền bạc của Nhà nước, của người lao động.

 

Về vấn đề chất lượng đào tạo nhân lực cũng có nhiều bức xúc. Một số trường, trung tâm chỉ lo thu hút đầu vào thật nhiều sinh viên, nhưng hiệu quả đầu ra thì thả nổi. Bản thân sinh viên cũng có nhiều người chưa thật chuyên tâm học hành. Đi học nghề nhưng tâm thế như học phổ thông, chỉ lo đối phó cho đủ điểm để có tấm bằng tốt nghiệp (như tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông). Vì thế có người cầm tấm bằng tốt nghiệp nghề trong tay, nhưng không làm được việc. Có trường nọ tuyển một giáo viên dạy tin học là kỹ sư, nhưng khi vào thử việc đánh máy một danh sách học sinh thì không làm được. Lại có người học đại học báo chí, khi ra trường không viết được một tin, bài ngắn nào, thế nhưng cứ cầm bằng đại học đi xin việc khắp nơi. Còn nhiều, rất nhiều những ví dụ tương tự…

 

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC

 

Hiện nay trên địa bàn Phú Yên có rất nhiều cơ sở dạy nghề, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh cần có cuộc điều tra nhu cầu của các doanh nghiệp, dự hướng phát triển ngành nghề trong 10-15 năm tới, để “đặt hàng” cho các cơ sở dạy nghề, để các cơ sở dạy nghề chủ động xây dựng quy mô đào tạo của mình phù hợp với thực tế, đào tạo đúng “cái thị trường cần”.

 

Các cơ sở đào tạo, các trường dạy nghề và các doanh nghiệp, cơ quan nên có sự giao lưu trao đổi thông tin về công tác đào tạo. Doanh nghiệp vừa là nơi đặt hàng cho các trường, các trung tâm đào tạo, vừa là “cơ sở thực tập” của các trường, trung tâm này. Qua việc “trao đổi thông tin” này mà phát hiện những yếu kém, hẫng hụt về “chất lượng sản phẩm đào tạo” để có hướng khắc phục tạo ra đội ngũ lao động có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

 

Để thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để có CNH-HĐH, cần phải có lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động có tay nghề cao. Vì vậy yếu tố con người là quan trọng nhất và cần có một chính sách sát hợp thực tiễn và tầm nhìn xa.

 

TRẦN HỮU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek