Cái được ở cuộc thi viết chữ đẹp bậc tiểu học vừa qua không phải là số lượng giáo viên tham dự mà hội thi đã bước đầu tác động đến nhận thức mỗi giáo viên về tầm quan trọng của “nét chữ, nết người”.
Giáo viên dự thi viết chữ đẹp - Ảnh: T.H |
3.600 giáo viên Tiểu học Phú Yên hăm hở tham gia Hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, trong đó có những thầy cô giáo sắp đến tuổi nghỉ hưu, những giáo viên mới ra trường. Ai cũng lo lắng, hồi hộp.
Ngoài yêu cầu chính từ cách đặt bút, kích cỡ chiều cao tương ứng, kiểu chữ, nét thanh nét đậm cũng như cách lia bút liền mạch…, bài thi của giáo viên còn đòi hỏi tính sư phạm, tính hệ thống, tính thẩm mỹ và cả những kinh nghiệm của cá nhân trong việc dạy phân môn Tập viết, hướng dẫn học sinh luyện viết chữ đẹp đạt hiệu quả.
Các giáo viên thường nghĩ “Mình rèn chữ viết cho học sinh, chứ ai lại rèn cho chính mình”. Lần đầu đi thi viết chữ đẹp, cũng cố gắng nắn nót từng chữ một. Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên vẫn còn thờ ơ với hội thi này, trong đó có không ít giáo viên trẻ. Một nam giáo viên trẻ tuổi lý giải: “Thời gian soạn giảng đã kín mít, có rảnh đâu mà luyện tập. Đến ngày thi, tôi chỉ việc thi mà thôi!”.
Phong trào viết chữ đẹp lâu nay vốn chỉ dừng lại ở một số cá nhân có năng khiếu và say mê với việc rèn chữ, còn một bộ phận lớn giáo viên vẫn xem đó là chuyện của người khác. Giáo viên thường yêu cầu học sinh phải viết chữ đẹp và cho điểm thấp đối với những tập vở, bài thi của học sinh trình bày cẩu thả, trong khi đó lại “quên” nghiêm khắc với chính bản thân mình.
Giải thưởng của Hội thi viết chữ đẹp lần này không dành cho cá nhân xuất sắc nào mà dựa trên tiêu chí: những tập thể nào có nhiều giáo viên được công nhận viết chữ đẹp thì mới được trao giải tập thể. Chính vì thế, mỗi đơn vị phải yêu cầu tất cả giáo viên dự thi. Về cuộc thi này, thạc sỹ Nguyễn Văn Tá, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Chúng ta thường yêu cầu học sinh phải viết chữ đẹp thì không lý do gì các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho các em lại viết chữ xấu. Qua hội thi lần này, những giáo viên tiểu học nào chưa được công nhận thì vẫn phải tiếp tục rèn chữ cho đến khi được công nhận mới thôi!”.
Chính cách thức tổ chức hội thi lần này đã đánh động vào ý thức của mỗi giáo viên về tầm quan trọng của “nét chữ, nết người”. Nó không còn là phong trào mà đòi hỏi mỗi giáo viên phải nhẫn nại, chăm chút chữ viết của mình để khỏi mang tiếng “thi lại”. Trên cơ sở đó, mỗi giáo viên “rèn nết người” cho học sinh và cho chính bản thân mình.
THANH HOÀNG