Thứ Bảy, 05/10/2024 02:26 SA
Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học:
Huy động vốn từ nhân dân quá lớn
Thứ Bảy, 15/04/2006 08:25 SA

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học được tỉnh triển khai từ năm 2003. Theo kế hoạch, với kinh phí 53 tỷ 293 triệu đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 80%, địa phương đầu tư 20%), Phú Yên xây dựng 461 phòng học. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 192 phòng học hoàn thành và đưa vào sử dụng. 269 phòng học khác đang được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm nay.

 

Chỉ còn gần 3 tháng nữa là 269 phòng học còn lại phải bàn giao, thế nhưng, các địa phương triển khai được chọn chương trình này đang gặp nhiều bế tắc. Khó khăn lớn nhất mà các địa phương đang phải đối mặt là vốn đối ứng 20% huy động từ nhân dân. Ông Lương Công Tùng, Trưởng Phòng giáo dục huyện Sông Hinh cho biết: “Sông Hinh được chương trình kiên cố hoá trường lớp học hỗ trợ xây dựng 79 phòng học, chia thành 3 đợt. Đến nay, 39 phòng học của đợt 1, đợt 2 đã đưa vào sử dụng, song số vốn 20% huy động trong nhân dân vẫn còn nợ lại với nhà thầu. Đợt 3, huyện được hỗ trợ 40 phòng nhưng kinh phí được cấp chỉ có 2,7 tỷ đồng. Nợ cũ còn chưa trả được nên các phòng học của đợt 3 chưa thể triển khai được”.

 

060415-truonghoc.jpg

 

Các địa phương được chọn thực hiện chương trình kiên cố hoá hầu hết là miền núi, vùng khó khăn nên việc huy động kinh phí thật không dễ dàng gì. Để giảm bớt gánh nặng về vốn đối ứng cho các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi, danh mục đầu tư kiên cố hoá trường, lớp học đợt 3 năm 2005 có cân đối tỷ lệ phần trăm hỗ trợ cho các địa phương. Theo đó, các huyện miền núi có mức hỗ trợ cao nhất là 90%, các địa phương còn lại từ 67% cho đến 77,7%. Như vậy, nếu tính mức cao nhất- 90% vốn thì các huyện miền núi được hỗ trợ cũng chỉ 81 triệu đồng/phòng học. Trong khi đó, chi phí xây dựng mỗi phòng học hiện nay đang ở mức 130 triệu đồng. Ông Trần Thêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu, cho biết: “Qui định là huy động 20% vốn từ nhân dân nhưng trên thực tế, khi triển khai xây dựng, phải tiến hành san ủi, tôn tạo mặt bằng. Nhiều công trình muốn dạy – học được phải xây dựng các công trình phụ trợ khác. Do vậy, vốn thực tế huy động trong dân có khi lên đến 40 - 50% giá trị công trình. Hiện nay nhân dân còn phải đóng góp rất nhiều khoản, nên vấn đề vốn đối ứng là rất khó thực hiện”.

 

Tổng số vốn huy động để xây dựng 461 phòng học là 53 tỷ 293 triệu đồng. Trong số này, Trung ương đã cấp 33 tỷ 192 triệu đồng, chỉ chiếm 62,3%, phần vốn địa phương cần phải huy động là 18.101 triệu đồng và 2 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Chưa bàn đến sự chênh nhau về dự toán vốn xây dựng cho mỗi phòng học của trung ương và địa phương, chỉ việc huy động cho đủ số tiền đối ứng đã duyệt này cũng đủ làm các địa phương bở hơi tai. Như huyện Sông Hinh, đến thời điểm này chỉ huy động được ở thị trấn Hai Riêng, các xã còn lại thì chưa thu được. Huyện Sơn Hoà cũng chỉ huy động được trên 200 triệu đồng ở những xã ven thị trấn. Nợ chồng lên nợ, các phòng học được phân bổ ở đợt 3 chưa biết triển khai thế nào, vì các đơn vị thi công không muốn tham gia do chủ đầu tư nợ kéo dài.

 

Kiên cố hóa trường lớp học là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm góp phần từng bước cải thiện cơ sở vật chất, xóa bỏ phòng học tạm bợ không đúng quy cách và bị xuống cấp nặng, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, vì tỉnh đã kết hợp vận dụng xây mới hệ thống trường lớp ở một số nơi để đáp ứng mục tiêu chuẩn hóa theo yêu cầu trường chuẩn quốc gia nên ngoài việc giá thành bị đẩy lên cao thì kinh phí đầu tư vào việc chuẩn bị, san lấp mặt bằng, đền bù giải toả, mua sắm trang thiết bị… là rất lớn. Số kinh phí bị “đội” lên như hiện nay, nếu huy động dân đóng góp thì quá sức đối với họ.

 

Thực ra, cơ sở vật chất của giáo dục ở vùng khó khăn không phải bây giờ mới đặt ra. Nhưng khi mà chương trình mới đã được triển khai đại trà thì vấn đề càng trở nên cấp bách. Sự yếu kém về cơ sở vật chất đã khiến cho giáo dục nơi đây gặp nhiều bất lợi. Kiên cố hóa trường lớp học là việc rất cần thiết và kiên cố hóa theo quy mô chuẩn hóa, hiện đại hóa mà tỉnh đang làm càng cần thiết hơn. Bởi trong nhiều năm qua, khi xây dựng phần lớn trường học, chúng ta không chú ý đến các phòng học chức năng, sân chơi, bãi tập, do đó, khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới, các trường không đáp ứng được yêu cầu trong dạy và học. Vậy nên dù kinh phí đầu tư cho một phòng học có vượt quá số tiền quy định của chương trình nhưng đây là việc rất đáng làm. Bởi một khi trường ra trường, lớp ra lớp thì không chỉ nâng cao chất lượng dạy học mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 

Tại Hội nghị chuyên đề về Chương trình kiên cố hoá trường lớp học, vừa được Sở GD – ĐT tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Kim Anh, Trưởng ban quản lý Chương trình cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, trước mắt các địa phương cần làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp có liên quan. Đối với những địa phương chưa thu được số kinh phí huy động trong nhân dân thì phải kịp thời báo cáo về tỉnh trong tháng tư  này để tìm biện pháp tháo gỡ”.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek