Thứ Bảy, 05/10/2024 04:12 SA
Giáo án điện tử: Chỉ để trình diễn!
Thứ Hai, 10/04/2006 07:59 SA

Khi sử dụng giáo án điện tử, nhiều giáo viên tỏ ra lúng túng và nếu không có trợ giúp của bộ phận kỹ thuật, họ khó kết thúc hoàn hảo tiết giảng!

 

DẠY BẰNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ: CHỈ ĐỂ ĐI THI!

 

Hội thi nghiệp vụ sư phạm THCS năm học 2005 – 2006 vừa được Sở GD - ĐT Phú Yên tổ chức với khoảng gần 280 giáo viên thuộc 98 trường THCS, phổ thông cấp 2 – 3 trên địa bàn tỉnh tham dự. Trong gần 280 tiết hội giảng lần này, ngoại trừ các môn thể dục, âm nhạc, hầu hết các môn còn lại đều sử dụng giáo án điện tử. Trong các nội dung trắc nghiệm kiến thức bộ môn, quy chế trường trung học, luật giáo dục, tổ chức một tiết dạy học trên lớp theo hướng phát huy tích cực của học sinh và báo cáo khoa học về kinh nghiệm hay trong giảng dạy, nội dung thứ hai thu hút nhiều người quan tâm nhất. Trước khi bước vào giờ giảng, giáo viên nào cũng hồi hộp, lo lắng, bởi ngoài ban giám khảo, đồng nghiệp dự giờ để học hỏi kinh nghiệm, các thầy cô giáo còn chịu áp lực từ việc phải dạy theo giáo án điện tử.

 

060410--day-hoc.jpg
Giáo án điện tử chưa được sử dụng phổ biến để giảng dạy - Ảnh: M.Thúy

 

Tiết giảng Sinh học của thầy giáo Huỳnh Đắc Đệ, trường THCS Hoàng Hoa Thám (huyện Đông Hòa) được chia theo mô hình 5 – 3 – 2, nghĩa là 5 phần dành cho lý thuyết, 3 phần dành cho thảo luận và 2 phần dành để giải đáp thắc mắc của học sinh. Với cách dạy này, chỉ 45 phút thầy Đệ đã hoàn thành bài giảng một cách xuất sắc khi các câu hỏi của bài học đều được giải quyết triệt để. Sang tiết Lịch sử của cô giáo Ngô Thị Anh Chương, trường THCS Hoàng Văn Thụ (huyện Sông Cầu), thông qua giáo án điện tử, bài học “Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và những chuyển biến về Kinh tế – xã hội ở Việt Nam” được cô Chương chuyển tải đến học sinh một cách sinh động bằng lối kết hợp giữa khâu giảng và hình ảnh minh họa. Học sinh vừa nghe, vừa nhìn hình ảnh thực tế nên không chỉ, dễ thuộc mà còn mường tượng được đời sống của nhân dân ta thời kỳ đất nước bị xâm lược.

 

Phương pháp dạy học với sự hỗ trợ của máy tính giúp thầy và trò mở ra một hướng dạy và học mới. Chương trình học được cài vào phần mềm máy tính và hiển thị lên màn hình, giúp người dạy có thời gian giảng sâu những vấn đề quan trọng của bài học. Các tiết hội giảng đều được giáo viên sử dụng giáo án điện tử nên giờ họcï nào cũng đạt yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới. Chỉ tiếc rằng những giờ học như thế mới chỉ để thi chứ chưa vận dụng đại trà vào quá trình lên lớp trong trường học hiện nay. Nguyên nhân là có đến 80% giáo viên hiện nay chưa thành thạo trong việc sử dụng máy vi tính. Vả lại, đến nay số trường THCS được trang bị máy chiếu Projector để thực hiện giáo án điện tử còn đếm trên đầu ngón tay. Trình độ, thiết bị yếu và thiếu nên khi sử dụng giáo án điện tử, nhiều giáo viên tỏ ra lúng túng và nếu không có sự trợ giúp của bộ phận kỹ thuật, họ khó kết thúc hoàn hảo tiết dạy. Một giáo viên bày tỏ: “Để có một tiết dạy bằng giáo án điện tử tham gia hội thi, giáo viên hoặc nhà trường phải bỏ kinh phí từ vài trăm đến cả triệu đồng để thuê chuyên gia tin học thiết kế, cài đặt. Khi lên lớp giáo viên chỉ cần enter theo trình tự là có thể dạy được”.

 

GIÁO VIÊN GIỎI, CHẤT LƯỢNG ẢO

 

Mặc dù sử dụng giáo án điện tử chỉ mới sử dụng ở dạng khuyến khích, song chỉ vì tâm lý “không sử dụng giáo án điện tử sẽ bị đánh giá thấp” nên các phòng Giáo dục chỉ đạo các trường có giáo viên tham gia dự thi phải sử dụng giáo án điện tử. Trước áp lực này, các trường huy động hết tài lực, vật lực “làm bóng” năng lực của các giáo viên đi thi để xứng đáng với bộ mặt nhà trường. Vậy nên, dù chỉ có một tiết giảng nhưng giáo viên được chuẩn bị cả tháng, những giờ lên lớp thường ngày “khoán” cho các thành viên trong tổ bộ môn cáng đáng. Nhiều trường còn huy động cả tổ bộ môn cùng đóng góp xây dựng, thiết kế giáo án để dạy. Qúa trình chuẩn bị như vậy thử hỏi tiết giảng nào mà chẳng đạt yêu cầu, chẳng giỏi?

 

Đổi mới phương pháp giảng dạy đã làm nhiều nhưng để quá trình đó mang lại hiệu quả thì không thể chạy theo thành tích trong ngày một ngày hai, lại càng không thể qua một tiết dạy ở hội thi.  Hiện đại hóa phương tiện dạy học phải phù hợp với thực tế thì mới đem lại hiệu quả. Với thực trạng phòng chức năng, đang còn là vấn đề nan giải ở các trường học như hiện nay thì việc trang bị những phương tiện hiện đại chỉ như muối bỏ biển. Giáo án điện tử với giáo viên THCS cũng chỉ để trình diễn.

 

Có phương tiện hỗ trợ là một lẽ, sự đổi mới trong quá trình dạy - học mới là điều quan trọng hơn nhiều. Trong phạm vi đổi mới phương pháp giáo dục thì đổi mới nhận thức về dạy học, về vị trí của giáo viên, học sinh, môi trường giáo dục có quan hệ trực tiếp và có tác dụng thúc đẩy đối với đổi mới phương pháp giảng dạy. Một giáo viên biết tự làm đồ dùng dạy học, thiết lập cho mình một phương pháp truyền đạt tốt thì dù giáo án giấy hay giáo án điện tử vẫn có thể dạy tốt – học tốt. Trong các giờ lên lớp, người học chỉ nghe người dạy thuyết trình thì sẽ mau quên. Nhưng nếu giáo viên biết tổ chức và hướng dẫn các em học tập bằng cách tham gia các hoạt động để phát hiện và giải quyết vấn đề, rồi sau đó thực hành thì học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng hơn. Dạy học không chỉ tập trung vào nội dung dạy cái gì mà còn tập trung hình thành phương pháp học tập, đặc biệt là phương pháp tự học, tự phát hiện, giải quyết vấn đề thuộc bài học để tự chiếm lĩnh kiến thức mới.

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek