Hiệu trưởng có thẩm quyền cao nhất về mặt hành chính và chuyên môn, là người thay mặt nhà trường xây dựng mối liên kết giữa trường với cộng đồng, với các lực lượng xã hội nói chung để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ. Do đó, người cán bộ quản lý trường học nói chung và Hiệu trưởng nói riêng luôn phải tự rèn luyện để có được những năng lực, phẩm chất cần thiết.
Trước hết, người cán bộ quản lý trường học phải có tư tưởng chính trị, đạo đức tốt; có lối sống trong sạch, mẫu mực, khiêm tốn; luôn biết đặt lợi ích của nhà trường và lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân.
Tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý trường học - Ảnh: Thúy Hằng
Người cán bộ quản lý trường học cũng phải có trình độ chuyên môn giỏi, nghiệp vụ sư phạm vững vàng; có tầm nhìn xa về xu hướng phát triển của giáo dục. Bên cạnh đó, người cán bộ quản lý trường học cũng phải hiểu việc, hiểu người, biết khơi dậy tinh thần làm việc tự giác, tích cực của tập thể; biết tạo lập các mối quan hệ tích cực và biết sống chan hoà với mọi người. Một cán bộ quản lý trường học giỏi, còn phải biết phân tích hoàn cảnh thực tiễn để nhanh chóng nhìn ra được vấn đề, trên cơ sở đó kịp thời đưa ra được những quyết định đúng, sâu sát với thực tế công việc. Người quản lý giáo dục trường học không những tìm ra những giải pháp đúng trong quá trình chỉ đạo mà còn có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng nhà trường thành một đơn vị giáo dục tiên tiến.
Người cán bộ quản lý trường học cũng cần phải biết soi mình trước lăng kính đa chiều của tập thể sư phạm, đồng nghiệp, trước các thành viên trong đơn vị, trong cộng đồng, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý, tránh tình trạng bảo thủ, trì trệ, chủ quan.
Th.s TRẦN NGỌC HIỆP