Thứ Ba, 26/11/2024 21:52 CH
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số:
“Cú hích” nâng cao chất lượng giáo dục
Thứ Tư, 30/08/2017 08:23 SA

Học sinh Trường tiểu học Ea Bar (huyện Sông Hinh) đọc sách trong thư viện trường để tăng cường kỹ năng sử dụng tiếng Việt - Ảnh: HÀ MY

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số không chỉ góp phần khắc phục những hạn chế rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ em mà qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

 

Trước thềm năm học 2017-2018, các trường học trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thuộc đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

 

Phụ đạo tiếng Việt cho học sinh

 

Cùng với các công việc chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, cùng các địa phương có con em học sinh dân tộc thiểu số đang tích cực tăng cường dạy tiếng Việt, nhất là cho học sinh đầu cấp để giúp các em tự tin bước vào lớp 1.

 

Theo ông Võ Chí Thành, chuyên viên phụ trách bậc tiểu học của Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, năm học 2017-2018, huyện dự kiến có hơn 2.200 học sinh tiểu học người đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp. Để củng cố kiến thức cho học sinh, chuẩn bị tốt tâm thế và hành trang cho các em bước vào năm học mới đạt kết quả cao, trong tháng 7-8/2017, các trường tiểu học trên địa bàn đã tổ chức các lớp phụ đạo tiếng Việt, ôn tập văn hóa hè cho các em. Một số trường còn tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1, nhằm trang bị kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt cho các em.

 

Học sinh Trường tiểu học Ea Bar (huyện Sông Hinh) đọc sách trong thư viện trường để tăng cường kỹ năng sử dụng tiếng VIệt - Ảnh: HÀ MY

 

Tại Trường tiểu học KrôngPa, nơi có hơn 95% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường môn Tiếng Việt cho học sinh. Thầy Trần Nam Lũy, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Năm học 2017-2018, trường có khoảng 415 học sinh, được chia làm 21 lớp. Ngoài trường chính ở thôn Phú Sơn, 3 điểm trường còn lại ở buôn Thu, buôn Khăm, buôn Chơ, học sinh đều là người dân tộc thiểu số.

 

Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã tổ chức các lớp phụ đạo kiến thức, củng cố kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho các em trong hè. Trước thềm năm học 2017-2018, nhà trường được huyện cấp 7 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, tài liệu dạy và học tiếng Việt. Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

 

Huyện Sông Hinh là một trong những địa phương có số lượng học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh. Năm học 2017-2018, huyện dự kiến có gần 2.500 học sinh tiểu học ra lớp. Ông Nguyễn Thanh Lam, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, cho biết: Thống kê của các trường học trên địa bàn huyện Sông Hinh cho thấy, phần lớn học sinh tiểu học chưa hoàn thành chương trình năm học đều là học sinh dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là ở trường các em phải làm quen với một ngôn ngữ khác hoàn toàn tiếng mẹ đẻ nên trong quá trình học tập cũng bị ảnh hưởng không ít.

 

Cho nên, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là trang bị tiếng Việt cho học sinh bước vào lớp 1 rất cần thiết. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục huyện đặt ra trong năm học 2017-2018.

 

Bên cạnh chỉ đạo các trường lựa chọn nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, dạy tiếng Việt qua các trò chơi, giao lưu văn nghệ; Phòng GD-ĐT huyện còn tăng cường mua sắm tài liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các trường, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo đề án của UBND tỉnh.

 

Từng bước triển khai hiệu quả đề án

 

Để tăng cường tiếng Việt học sinh dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2016, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

 

Mục tiêu của đề án là tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục bậc học; đồng thời tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. Có thể nói sự ra đời của đề án này tạo một “cú hích” cho việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho hay: Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.

 

Đến năm 2025 có ít nhất 50% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Đồng thời hàng năm, 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt. Những mục tiêu này đều có thể đạt được nếu như UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo; các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng theo lộ trình đã đưa ra; người dân đồng tình hưởng ứng.

 

Trong nhiệm vụ được giao, Sở GD-ĐT Phú Yên sẽ thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đề án; xây dựng dự toán kinh phí hàng năm; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kế hoạch triển khai đề án; đồng thời tham mưu UBND tỉnh về việc đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số để dạy các vùng có học sinh dân tộc thiểu số…

 

Đầu tư mua sắm học liệu, tăng thời lượng dạy học

 

Trong năm 2017, kinh phí thực hiện đề án là 100 triệu đồng, dùng để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mua sắm học liệu, trang thiết bị, tập huấn cho giáo viên… Tháng 7 vừa qua, 5 phòng GD-ĐT có học sinh dân tộc thiểu số gồm: Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Phú Hòa và Tây Hòa đã được cấp kinh phí để mua sắm tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

 

Sắp tới, các phòng GD-ĐT này sẽ chọn 3 trường, mỗi trường chọn 3 lớp để thí điểm dạy môn Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng tăng thời lượng dạy học từ 300 tiết lên 500 tiết. Các lớp khác dạy tăng tiết tiếng Việt mỗi tuần thêm 5 tiết. Riêng lớp 2 buổi/ngày, dạy tăng cường tiếng Việt theo tình hình của lớp, của trường sao cho hiệu quả. Mục tiêu của ngành là phấn đấu đến năm 2020, các lớp 1 và lớp 2 đối với vùng có học sinh dân tộc thiểu số đều học 2 buổi/ngày.

 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek