Cánh cửa trường nghề luôn mở ra những cơ hội học tập thiết thực cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS cũng như cho các thí sinh không đủ điểm vào đại học. Tuy nhiên, liệu có được bao nhiêu học sinh sau khi học xong lớp 9 có thể mạnh dạn, tự tin đi học nghề...
Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018, trong hơn 10.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT của 21 trường THPT, THCS và THPT có tổ chức thi tuyển thì có rất nhiều thí sinh bị điểm liệt (từ 0,5 điểm trở xuống/môn thi), nhất là thí sinh ở ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, mỗi huyện có từ 100-150 thí sinh bị điểm liệt.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT Phú Yên, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 có sự phân loại thí sinh rất cao, mỗi đề thi đều có sự phân bố từ câu rất dễ, dễ rồi khó dần lên, nhưng không hiểu sao có rất nhiều thí sinh không làm đúng lấy 1 câu, thậm chí có không ít thí sinh bỏ giấy trắng. Điều này cho thấy thí sinh quá chán nản khi học văn hóa.
Không trúng tuyển vào các trường THPT công lập nhưng thực tế đến thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn dè dặt với việc lựa chọn học nghề làm hướng đi kế tiếp. Trưởng Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: “Những thí sinh trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT các trường công lập năm học 2017-2018 nên mạnh dạn học nghề. Nếu các em chọn học nghề ngay từ đầu nghĩa là các em đã xác định được năng lực bản thân. Mặt khác, học nghề là học kỹ năng thực hành nghề, do đó khi ra trường các em sẽ tự tin hơn trong nghề nghiệp. Điều quan trọng là các em phải xác định mình hợp với nghề gì để có sự lựa chọn phù hợp”.
Để giúp học sinh mạnh dạn, tự tin đến với việc học nghề thì công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT cần đổi mới, hướng đến việc giúp các em nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có định hướng tương lai rõ ràng, mạnh dạn theo đuổi đam mê. “Nếu cứ “đu” theo các bậc học cao hơn nhưng năng lực bản thân các em không có thì rất lãng phí. Các em cần bỏ quan điểm đi học cao đẳng, đại học sẽ làm thầy, học nghề sẽ làm thợ. Hiện nhiều người xuất thân từ học nghề nhưng vẫn thành đạt không thua kém những người có bằng đại học đó thôi”, thầy Phong nhấn mạnh.
Thực tế tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp những năm gần đây cho thấy, cơ cấu tuyển dụng nhân lực bao gồm cả kỹ sư lẫn lao động tốt nghiệp trình độ thấp hơn như cao đẳng nghề, trung nghề, trung cấp chuyên nghiệp… Vì vậy, chỉ cần có nghề, người lao động không lo thất nghiệp. “Học nghề vẫn mở ra rất nhiều cơ hội lập nghiệp và tiến thân cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Trong đó, học nghề có những lợi thế nhất định là hạn chế chi phí, rút ngắn thời gian để người học nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động. Vì thế, nếu các em không đủ sức để theo các bậc học cao hơn thì nên chọn học nghề”, ông Phạm Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Phú Yên) có lời khuyên với những thí sinh bị điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018. Theo ông Thơ, đây cũng là chủ trương mà ngành Giáo dục đang hướng đến để đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS.
MẠNH THÚY