Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT yêu cầu tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông. Theo đó, đối với các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh tại địa phương, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT rà soát, tinh giảm cụ thể như sau: Sở GD-ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh; không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia. Hình thức tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; giáo viên và học sinh được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí; khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Trường hợp tổ chức thi trực tuyến phải có giải pháp đảm bảo mỗi giáo viên, học sinh có duy nhất một tài khoản do nhà trường xác nhận và quản lý để dự thi. Không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở GD-ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018-2019; không xác nhận lại hoặc đề nghị Bộ GD-ĐT xác nhận lại thành tích của giáo viên và học sinh do Sở GD-ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.
Sở dĩ Bộ GD-ĐT có yêu cầu này là vì theo báo cáo của các sở GD-ĐT và kết quả rà soát của Bộ GD-ĐT, số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo; gây áp lực cho giáo viên, học sinh; nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội.
Động thái này ra đời trong bối cảnh số lượng cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực nên nhiều người cho rằng đây là một hành động cần thiết để đưa dạy và học về thực chất. Theo quan điểm của nhiều người, có học thì phải có thi. Bởi thi là cách kiểm tra lại năng lực, kiến thức của học sinh, giáo viên có phù hợp với yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, ngành Giáo dục không nên lạm dụng các kỳ thi, làm như thế sẽ gây nên tình trạng căng thẳng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. “Tôi nghĩ giảm các kỳ thi thì tốt. Nhưng công văn thì vẫn chưa nêu cụ thể là giảm kỳ thi nào. Vì vậy, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên xác định rõ kỳ thi nào không hiệu quả, đưa ra danh sách phải bỏ luôn”, một giáo viên chia sẻ.
Học sinh ngày nay chưa thể trút bỏ hết gánh nặng áp lực học hành một phần cũng là vì có quá nhiều kỳ thi, cuộc thi. Ảnh hưởng của văn hóa thi cử từ bao đời nay khiến phụ huynh thường lấy kết quả học tập của con cái làm niềm tự hào cho bản thân và gia đình, dẫn tới việc đẩy áp lực đó lên học sinh. Nhiều học sinh chưa có cảm giác đi học là cho mình, vì mình mà là vì gia đình, vì cha mẹ. Vì vậy, để trút bỏ “gánh nặng” trên vai người học, cần phải có một giải pháp đồng bộ, dài hạn.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư cho biết: Sở GD-ĐT Phú Yên không có cuộc thi nào “phát sinh” tại địa phương, ngoài các cuộc thi do Bộ GD-ĐT triển khai. Theo nhìn nhận của ông, hiện số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo. Chẳng hạn như cuộc thi giải Toán trên máy tính Casio, các cuộc thi qua internet, Olympic truyền thống 30/4 các tỉnh phía Nam… là không cần thiết vì vừa chồng chéo với các cuộc thi khác vừa chưa đánh giá được năng lực học tập của học sinh. Việc có quá nhiều cuộc thi không chỉ tốn thời gian, tạo áp lực cho học sinh, giáo viên, mà còn tốn kém chi phí. Hy vọng Bộ GD-ĐT có sự tinh giảm hợp lý để học sinh cảm thấy học tập là niềm vui, mỗi cuộc thi là một thách thức khi mình vượt qua sẽ rất tự hào.
Được biết, nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức; đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi, không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.
MẠNH THÚY