Hội thi Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường năm học 2016-2017 vừa được Sở GD-ĐT tổ chức nhằm tạo sân chơi, giúp học sinh thể hiện suy nghĩ và hành động trước tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Hội thi là một hình thức tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả, góp phần làm cho môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh hơn.
Kịch tính các phần tranh tài
Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên cuối tuần qua trở nên náo nhiệt khi rất đông học sinh của 3 trường THPT: Nguyễn Văn Linh (huyện Đông Hòa), Lê Thành Phương (huyện Tuy An), Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) về tham gia và cổ vũ cho Hội thi Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường năm học 2016-2017. Các em ngồi kín hội trường, giương cao băng rôn, khẩu hiệu với những thông điệp ý nghĩa “nói không với bạo lực học đường”, “xây dựng trường học an toàn, thân thiện”… Sự hò reo, cổ vũ nhiệt tình của gần 400 cổ động viên đã làm cho không khí của hội thi trở nên “nóng” và kịch tính hơn.
Hội thi năm nay diễn ra với 3 phần thi: thuyết trình, xử lý tình huống và tài năng. Theo đánh giá của ban giám khảo, các đội tham gia hội thi lần này có sự chuẩn bị khá chu đáo. Qua các phần thi, các đội đã thể hiện những hiểu biết sâu rộng, bộc lộ quan điểm, góc nhìn của mình về nạn bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phổ biến. 3 thí sinh trong phần thi thuyết trình là những tuyên truyền viên tự tin, có khả năng hùng biện lôi cuốn, thuyết phục với tư duy sắc sảo. Không chỉ phân tích đa chiều những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, các em còn kêu gọi mọi người cùng chung tay xóa bỏ bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện và tích cực. Với phần thuyết trình “Bạo lực học đường hủy hoại tuổi trẻ” dõng dạc và truyền cảm, em Đỗ Thị Thiên Hương, Trường THPT Lê Thành Phương đã vượt lên hai thí sinh khác, giành giải nhất của phần thi này.
Phần thi xử lý tình huống là cuộc so tài về kiến thức bạo lực học đường. Sau câu trả lời sai mở đầu, ba đội thi đã trở nên “tỉnh táo” hơn, xuất sắc hoàn thành 9 câu hỏi còn lại. Nhiều hơn Trường THPT Nguyễn Văn Linh 1 câu trả lời đúng, Trường THPT Lê Thành Phương và Ngô Gia Tự cùng giành giải nhất phần thi này.
Lôi cuốn và để lại nhiều cảm xúc cho khán giả nhất là phần thi tài năng. Với trang phục, đạo cụ sinh động, bắt mắt cùng khả năng diễn xuất tốt, kịch bản được chuẩn bị chu đáo, các đội đã mang đến hội thi những tiểu phẩm đặc sắc. Tiểu phẩm “Ganh tỵ” của Trường THPT Nguyễn Văn Linh gây ấn tượng với các làn điệu dân ca bài chòi Nam Trung Bộ, nhẹ nhàng, mà hóm hỉnh, ý vị. Khắc họa nỗi đau khi nghe tin bạn chết do bạo lực học đường, đội thi Trường THPT Ngô Gia Tự gửi đi thông điệp: “Cùng chung tay hành động vì môi trường học đường an toàn”. Dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, cười đó, nhưng rồi nghẹn ngào đó, tiểu phẩm “Hối hận muộn màng” của Trường THPT Lê Thành Phương đã xuất sắc mang về giải cao nhất.
Nhân rộng cách tuyên truyền hiệu quả
Là một trong những thành viên góp phần làm nên chiến thắng toàn đoàn của Trường THPT Lê Thành Phương tại hội thi, em Đỗ Thị Thiên Hương, học sinh lớp 11, cho biết: “Để chuẩn bị cho hội thi này, em và các bạn đã tìm đọc nhiều thông tin về các vụ bạo lực học đường trên báo chí trong thời gian qua, cũng như tìm hiểu các nguyên nhân, mức xử phạt vi phạm về bạo lực học đường theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, em và các bạn đã có nhận thức đúng hơn về sự nguy hiểm và cách phòng, chống bạo lực học đường. Qua hội thi này, em nhận ra một điều: chúng ta không nên dùng “nắm đấm” để giải quyết mâu thuẫn, mà nên sử dụng lời nói ôn hòa, khuyên nhủ, nhường nhịn nhau”.
Còn em Phạm Thảo Vy, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Ngô Gia Tự, chia sẻ: “Trong cuộc sống, nếu không biết giải quyết mâu thuẫn đúng cách sẽ dễ gây ra bạo lực, dẫn đến án mạng. Qua Hội thi Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, em và các bạn không chỉ được cung cấp nhiều kiến thức liên quan đến hành vi bạo lực để phòng, chống mà còn được hướng dẫn thêm nhiều kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, dung hòa các mối quan hệ trong nhà trường”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, Hội thi Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường là một chương trình bổ ích, có tính giáo dục cao. Đây là một hình thức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường sáng tạo, hiệu quả, thu hút học sinh nên cần được các đơn vị giáo dục nhân rộng. Mặc dù Phú Yên không phải là địa phương nóng về bạo lực học đường, nhưng thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một vài vụ nữ sinh đánh nhau, tung clip lên mạng. Thậm chí, có học sinh uống thuốc tự tử nghi do bị các bạn nam chọc ghẹo. Cho nên, trước diễn biến của nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng và trở nên nghiêm trọng như hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm của học sinh về phòng, chống hành vi bạo lực học đường là việc làm cần thiết.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh bằng nhiều hình thức phong phú; thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT, xây dựng các CLB để tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho các em. Bên cạnh đó, các trường học cần ký kết quy chế phối hợp với công an địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống tệ nạn xã hội và tình trạng bạo lực học đường; phát huy vai trò chủ động, tích cực của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên |