Nhiệt huyết, tận tụy, luôn chủ động tiếp cận, đổi mới phương pháp giảng dạy... là nhận xét của nhiều người về cô giáo Dương Thị Kim Chi, giáo viên Trường tiểu học Suối Bạc (huyện Sơn Hòa). Tháng 10 vừa qua, cô giáo miền sơn cước có bề dày 21 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” này là một trong 126 nhà giáo trong cả nước được Bộ GD-ĐT tuyên dương tiêu biểu năm học 2015-2016.
Gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, say mê trao đổi về nghề nghiệp là cảm nhận của tôi khi tiếp xúc với cô Chi. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên), cô Chi về quê, bắt đầu sự nghiệp “trồng người” tại Trường tiểu học Củng Sơn 2. Mong muốn “mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui”, cô luôn trăn trở, tìm tòi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp và thu hút học sinh nhất. Tâm đắc phương pháp dạy học tích cực “lấy học sinh làm trung tâm”, cô vận dụng linh hoạt vào giờ dạy của mình, trở thành “người hướng dẫn” giúp học sinh chủ động nắm bắt kiến thức bài học.
Năm học 2012-2013, Trường tiểu học Củng Sơn 2 được Sở GD-ĐT Phú Yên chọn là 1 trong 9 trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy thí điểm mô hình Trường học mới (VNEN). Cô Chi cùng tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực thích nghi phương pháp dạy học mới, vận dụng một cách sáng tạo và có hiệu quả mô hình này. Nhờ đó, học sinh đã thích thú hơn khi đến lớp, chất lượng giáo dục của trường không ngừng được nâng cao qua các năm học.
Bên cạnh việc dạy kiến thức, cô Chi còn quan tâm dạy học sinh cách làm người. Nhận thấy góc “Hộp thư bè bạn” và “Điều em muốn nói” trong mô hình VNEN là chiếc cầu nối chuyển tải tình cảm, tâm tư giữa giáo viên - học sinh - gia đình và cũng là cách giáo dục đạo đức hiệu quả cho các em nên cô Chi phát động cả lớp viết thư tay mỗi ngày. Nhờ đó, các em đã mạnh dạn nói lên những tâm tư, mong muốn của mình, qua đó giúp các học sinh trong lớp hiểu nhau hơn, giáo viên có sự điều chỉnh trong phương pháp giáo dục học sinh. Cô Chi chia sẻ: “Trước các cuộc họp phụ huynh, tôi thường cho học sinh viết thư để nói ra những điều khó nói với cha mẹ của mình và đặt vào hộp thư của mỗi em. Hôm sau họp phụ huynh, sau khi triển khai xong tất cả nội dung cuộc họp, tôi mời cha mẹ học sinh tiến về góc “Hộp thư bè bạn” để nhận những bức thư của con em mình. Không ít phụ huynh đã khóc khi đọc những dòng cảm xúc thật của các con. Nhờ đó, phụ huynh hiểu con mình hơn, việc giáo dục trẻ cũng thuận lợi hơn”.
Bằng kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Chi đã đúc kết nhiều giải pháp sư phạm ứng dụng. Hai giải pháp sư phạm ứng dụng của cô trong thời gian gần đây được các cấp, ngành đánh giá cao là “Giải tốt các bài toán có lời văn lớp 5 thông qua phương pháp hợp tác nhóm” và “Sử dụng CNTT trong giờ học Địa lý nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh lớp 5”. Song song với việc sáng tạo và áp dụng các phương pháp dạy học mới, cô Chi còn rất quan tâm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường. Cô luôn có kế hoạch và phương pháp để giúp các em phát huy hết khả năng của mình. Nhờ đó, những năm qua, đội tuyển học sinh giỏi của trường đạt được nhiều thành tích cao ở các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Theo bà Nguyễn Ngọc Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên, cô Dương Thị Kim Chi là một trong những giáo viên tận tụy với nghề, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, được học sinh thương yêu, đồng nghiệp quý mến. Năm học 2016-2017, cô Chi được điều động về công tác tại Trường tiểu học Suối Bạc. Dù ở đơn vị mới hay cũ, tin rằng với tinh thần trách nhiệm cao, tình yêu thương học trò vô bờ bến, cô sẽ tiếp tục phát huy được năng lực, gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”.
HÀ MY