Thứ Ba, 01/10/2024 22:30 CH
168 giáo viên huyện Đông Hòa không được xét nâng ngạch từ năm 2012:
“Lỡ đò” nên quyền lợi chính đáng bị lãng quên
Thứ Sáu, 07/10/2016 10:26 SA

Mặc dù đã lấy bằng đại học từ năm 2010, nhưng đến nay, thầy Đỗ Ngọc Kính vẫn chưa được xét nâng ngạch - Ảnh: HÀ MY

Từ năm 2012 đến nay, 168 giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục huyện Đông Hòa dù có bằng cấp cao hơn, nhưng vẫn phải ngậm ngùi nhận lương với mức không tương xứng. Lý do dẫn đến sự thiệt thòi này là bởi sự chậm trễ, tắc trách của một số bộ phận liên quan trong việc xét nâng ngạch viên chức vào cuối năm 2012. Đến nay, họ vẫn mòn mỏi chờ đợi một hướng giải quyết sao cho công bằng, hợp lý…

 

Mòn mỏi chờ nâng ngạch

 

Khi về Trường THCS Trần Hưng Đạo công tác, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền là cử nhân cao đẳng sư phạm tiếng Anh. Mong muốn học tập nâng cao trình độ và cải thiện mức lương, cô Huyền tự học và tốt nghiệp đại học cùng chuyên ngành vào năm 2011. Tháng 4/2012, nghe lãnh đạo trường phổ biến về việc làm hồ sơ đề nghị nâng ngạch, chuyển ngạch viên chức, cô Huyền khấp khởi cùng một giáo viên nữa ở trường làm hai bộ hồ sơ gửi về Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ huyện Đông Hòa. “Lúc làm hồ sơ nộp, tôi háo hức chờ quyết định nâng ngạch từ bậc cao đẳng sang bậc đại học. Nhưng rồi sau đó, không hiểu vì lý do gì, tôi không được xét nâng ngạch. Hỏi ra mới biết không chỉ có tôi mà 167 giáo viên, nhân viên khác của huyện Đông Hòa cũng chịu chung nỗi ấm ức. Trong khi đó, ở các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh, các giáo viên nhận bằng tốt nghiệp đại học cùng lúc với tôi đều được xét nâng ngạch”, cô Huyền chia sẻ.

 

Cùng hoàn cảnh như cô Huyền, thầy Đỗ Ngọc Kính là một trong 5 giáo viên của Trường tiểu học Trần Quốc Toản, cũng không được xét nâng ngạch viên chức trong đợt nâng ngạch cuối năm 2012. Thầy Kính bộc bạch: “Từ tấm bằng trung học sư phạm, tôi học tiếp lên cao đẳng sư phạm nhạc, đến năm 2010 thì lấy bằng đại học sư phạm Âm nhạc của Học viện Âm nhạc Huế. Bỏ công sức và tiền bạc đi học, bên cạnh mục đích nâng cao trình độ, tôi cũng mong muốn sẽ có mức lương cao hơn để ổn định cuộc sống, phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hồ sơ xét nâng ngạch của tôi đã không được giải quyết. Suốt 4 năm qua, tôi luôn chờ đợi một lời giải thích từ các cấp ngành liên quan. Mỗi lần chúng tôi kiến nghị lên các cơ quan chức năng, thì họ bảo phải đợi có đợt thi chuyển ngạch. Đây là điều vô lý và không công bằng, vì trước kia, giáo viên thuộc diện như chúng tôi chỉ xét chuyển ngạch, chứ không qua thi chuyển ngạch”.

 

Không chỉ cô Huyền, thầy Kính mà tất cả giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã học nâng cao trình độ và tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong giai đoạn từ 2010-2012 trên địa bàn huyện Đông Hòa đều rơi vào tình cảnh này. Thầy Trương Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho hay: “Bất kỳ giáo viên nào, sau khi lấy được tấm bằng cao đẳng, đại học, cũng đều mong muốn sẽ sớm xét được nâng ngạch, chuyển ngạch. Đây vừa là sự ghi nhận, động viên cho những nỗ lực của các giáo viên trong quá trình tự học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc; vừa là quyền lợi chính đáng về tài chính mà các giáo viên phải được hưởng. Tuy nhiên, không biết do sự chậm trễ, tắc trách từ bộ phận nào mà những giáo viên này lại phải chịu thiệt thòi suốt mấy năm qua”.

 

Nên có chế độ ưu tiên

 

Tìm hiểu về vấn đề trên, chúng tôi được biết, ngày 19/4/2012, UBND huyện Đông Hòa có gửi công văn cho Phòng GD-ĐT huyện và Hiệu trưởng các trường mầm non công lập, tiểu học, THCS hướng dẫn việc xét nâng ngạch, chuyển ngạch viên chức. Trong đó yêu cầu viên chức lao động, nhân viên đang công tác tại các trường học trên địa bàn huyện đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng chưa nâng ngạch, chuyển ngạch làm hai bộ hồ sơ đề nghị nâng ngạch, chuyển ngạch gửi về Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ huyện Đông Hòa trước ngày 26/4/2012 để tổng hợp trình UBND huyện đề nghị lên Sở Nội vụ. Tuy nhiên, đến ngày 7/5/2012, Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa mới có tờ trình trình UBND huyện Đông Hòa và Sở Nội vụ về việc đề nghị nâng ngạch đối với viên chức cho 168 giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục. Ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, cho biết: “Trước khi quy định mới về việc thi thăng hạng (trước kia là xét nâng ngạch - PV) có hiệu lực, tôi đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo 9 huyện, thị, thành phố, đề nghị các địa phương khẩn trương lập danh sách toàn bộ giáo viên đủ điều kiện nâng ngạch về cho sở. Trong khi các địa phương khác làm rất khẩn trương thì huyện Đông Hòa lại không đốc thúc các bộ phận liên quan, dẫn đến chậm trễ nên 168 giáo viên không kịp xét nâng ngạch, dẫn đến bị thiệt thòi”.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa, sự việc trên xảy ra cách đây đã gần 4 năm, những người liên quan trực tiếp đã chuyển sang vị trí, công tác khác. Nhiều lần, lãnh đạo huyện và các cấp ngành liên quan đã họp kiểm điểm và bàn giải pháp. Từ ngày 1/6/2012, khi nâng hạng lương từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng ngành, cùng lĩnh vực phải thực hiện thông qua thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo Nghị định 29 của Chính phủ ban hành ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đây là một thiệt thòi với các giáo viên này. Bởi trước đây, tiêu chí xét nâng ngạch dễ dàng hơn nhiều so với tiêu chí thi thăng hạng. Thông tư xếp hạng giáo viên các cấp mới nhất, quy định: giáo viên phải có trình độ Anh văn A1 đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS; A2 đối với cấp THPT theo khung quy chuẩn tham chiếu châu Âu.

 

Tuy nhiên, ngoại trừ giáo viên dạy Ngoại ngữ, có rất ít giáo viên đạt được trình độ Anh văn theo như quy định. “Cảm thông được những thiệt thòi mà 168 giáo viên, nhân viên của huyện chưa được nâng ngạch, nên nhiều lần, Phòng GD-ĐT huyện kiến nghị với UBND huyện Đông Hòa cần có một cơ chế riêng cho nhóm đối tượng này. Cần có sự ưu tiên cho các giáo viên nếu có đợt thi thăng hạng”, ông Danh nói.

 

Thêm vào đó, mặc dù Nghị định 29 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực từ tháng 6/2012, nhưng mãi đến ngày 14/9/2015, Liên bộ GD-ĐT và Nội vụ mới ban hành các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS nên một thời gian dài, tỉnh không có căn cứ để tổ chức thi nâng hạng, buộc giáo viên phải đợi. Ông Đặng Lê Tiến cho hay: “Bộ Nội vụ yêu cầu phải có xếp hạng giáo viên rồi mới thi thăng hạng. Hiện nay, Sở Nội vụ tỉnh đang phối hợp với các ngành liên quan, chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, dự kiến vào năm 2017. Chúng tôi sẽ ưu tiên, tạo điều kiện cho 168 giáo viên, nhân viên huyện Đông Hòa chưa được xét thăng hạng vào năm 2012, tham gia thi đầu tiên, phần nào bù đắp sự thiệt thòi cho họ”.

 

HÀ MY - THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek