Thứ Tư, 02/10/2024 17:34 CH
Ngày thứ ba thi THPT quốc gia năm 2016:
Thí sinh phấn khởi vì đề thi không khó
Thứ Hai, 04/07/2016 09:02 SA

Ngày 3/7 - ngày thứ ba của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, các thí sinh thi hai môn Địa lý, Hóa học. Tại Cụm thi 44 do Trường đại học Xây dựng Miền Trung chủ trì, có 3.758 thí sinh dự thi môn Địa lý, chiếm tỉ lệ 98,27%; môn Hóa học có 4.898 thí sinh dự thi, chiếm tỉ lệ 98,43%.

 

Do lượng thí sinh dự thi ít nên môn thi Địa lý, cụm thi này chỉ bố trí 9 điểm thi, còn môn Hóa học bố trí thi tại 13 điểm thi. Trong ngày thi thứ ba, tình hình thi tại các điểm thi diễn ra an toàn, trật tự, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.

 

 

Hai thí sinh Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) phấn khởi khi hoàn thành bài thi môn Địa lý - Ảnh: THÚY HẰNG

 

 

Đề Địa lý vừa tầm

 

Địa lý là một trong những môn thi được nhiều thí sinh chọn là môn thi tự chọn để xét tốt nghiệp trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016. Vậy nên, sau 180 phút hoàn thành bài thi tự luận môn thi này, hầu hết các thí sinh đều phấn khởi vì đề Địa lý vừa tầm, thậm chí có không ít thí sinh hoàn thành bài thi trước thời gian quy định nên ra sớm.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm thi Trường THCS Lương Thế Vinh, còn gần 30 phút mới hết thời gian làm bài nhưng rất nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi. Thí sinh Trần Thị Kim Ngân, Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa), cho biết: “Đề thi năm nay không khó, lại bám sát nội dung sách giáo khoa nên dù không phải là “dân” khối C nhưng em nghĩ mình có thể đạt điểm 6-7 môn thi này”. Hài lòng với bài thi của mình, thí sinh Hồ Thị Đông, Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa), chia sẻ: “Cả 4 câu hỏi đều bám sát chương trình học. So với các môn thi trước thì môn Địa lý em làm bài tốt nhất. Em nghĩ mình sẽ được trên 7 điểm”. Còn thí sinh Trần Lê Công Thành cho hay: “Em có tham khảo đề thi năm ngoái và thấy rằng đề năm nay dễ hơn, học sinh có lực học trung bình cũng có thể đạt điểm cao, phòng thi của em có rất nhiều bạn làm xong bài sớm”.

 

Tại điểm thi số 13 đặt tại Trường THPT Nguyễn Trãi, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài. Cô Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ coi thi phòng thi 265 tại điểm thi này, cho biết: Thời gian làm bài môn Địa lý là 180 phút, nhưng hầu như không có em nào làm bài đến hết giờ. Tất cả đều rời phòng thi sớm với nét mặt rạng rỡ, tâm trạng thoải mái. Nhiều em phấn khởi khoe “trúng đề” vì có câu hỏi liên quan đến các vấn đề thời sự như bảo vệ đa dạng sinh học và tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Tại điểm thi số 1 đặt tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, đa số thí sinh cũng cho rằng đề thi môn Địa lý năm nay dễ kiếm điểm hơn năm ngoái. Không khó để thí sinh có học lực trung bình kiếm được điểm 5, còn để đạt từ 8 điểm trở lên, thí sinh phải hiểu biết kiến thức xã hội, phân tích và tổng hợp tốt. Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân), thổ lộ: “Em thi đại học khối C3 gồm: Toán, Văn và Sử, nhưng lại lựa chọn Địa lý là môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT vì môn này dễ kiếm điểm. Em thích nhất hai câu hỏi cuối vì liên quan đến quá trình đô thị hóa ở nước ta và xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long. Muốn làm được câu hỏi này, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết về kiến thức xã hội”.

 

 

Thí sinh Trần Phi Thông, Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) trao đổi với anh trai và ba sau khi thi môn Hóa học - Ảnh: HÀ MY

 

 

Không dễ giành 10 điểm môn Hóa học

 

Chiều 3/7, sau 90 phút làm bài thi môn Hóa học, hầu hết thí sinh đánh giá đề thi năm nay tương đối dài nhưng vẫn bám sát chương trình học. Các câu hỏi được phân bổ từ dễ đến khó, trải đều toàn bộ chương trình phổ thông, với 60% câu hỏi thuộc vùng kiến thức cơ bản dành cho đối tượng học sinh xét tốt nghiệp THPT, 40% còn lại là những câu hỏi trung bình, khó đến rất khó để phân loại thí sinh khá, giỏi phục vụ việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Trong đó, có 5-7 câu thực sự khó, thí sinh phải mất nhiều thời gian để tìm hướng giải. Không khó để thí sinh đạt điểm 4, 5 nhưng sẽ rất khó để kiếm điểm 9, 10.

 

Tại điểm thi số 16 đặt tại Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, các thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng kém vui. Thí sinh Trần Thùy Trang, Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: “Đề thi có 50 câu, trong đó 30 câu đầu chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nằm trong chương trình học lớp 11 và 12, còn 20 câu sau nặng về bài tập, mức độ khó tăng dần. Em thi khối A, so với môn Vật lý, môn Hóa học khó kiếm điểm hơn”.

 

Trong khi đó, tại điểm thi số 17 đặt tại Trường THCS Trần Quốc Toản, đa số thí sinh cho rằng đề thi có tỉ lệ câu hỏi lý thuyết và câu hỏi bài tập được chia đều. Các câu hỏi lý thuyết trong đề đa phần là những câu hỏi dễ, thí sinh chỉ cần nhớ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể làm được. Các câu hỏi tính toán trong đề có độ khó tăng dần từ mức độ dễ đến trung bình rồi đến khó và cực khó. Thí sinh Phạm Văn Khoa, Trường THCS và THPT Võ Nguyên Giáp (TX Sông Cầu), thổ lộ: “Mặc dù đề thi có một nửa số câu hỏi là lý thuyết nhưng thí sinh phải “tỉnh táo” mới không bị “đánh lừa”. Em thi môn Hóa học để xét tốt nghiệp THPT nên chỉ cần đạt từ 4-5 điểm. Em thấy khó nhất là mấy câu xác định khối lượng. Nếu các bạn thi môn Hóa học để xét tuyển đại học chắc có thể chọn được đáp án đúng”.

 

Hôm nay (4/7), Kỳ thi THPT quốc gia 2016 kết thúc với hai môn thi Lịch sử và Sinh học. Do số lượng thí sinh dự thi ít nên Cụm thi 44 giảm số lượng điểm thi. Vậy nên, kết thúc ngày thi thứ ba, một số điểm thi thuộc cụm thi này đã gỡ băng rôn treo tại điểm thi.

 

CHUYÊN VIÊN MÔN ĐỊA LÝ (SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN) TRẦN THỊ THANH THU: Đề Địa lý phát huy tính sáng tạo của thí sinh

 

 

Cô Trần Thị Thanh Thu

Đề thi THPT quốc gia môn Địa lý năm nay không khác năm ngoái. Hai năm nay, cấu trúc đề rất rõ ràng, bám sát chương trình và phân hóa rõ rệt trình độ của thí sinh. Trong câu 1 gồm 2 câu hỏi nhỏ về tự nhiên và dân cư. Câu 2 là về kỹ năng sử dụng Atlat. Đây là hai câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu ở mức độ đơn giản. Câu 3 là kỹ năng về biểu đồ. Để làm câu này, học sinh phải có kỹ năng cao hơn và đảm bảo chính xác hơn. Phần phân hóa thí sinh rõ rệt nhất nằm ở câu 4. Câu này có 2 câu hỏi nhỏ. Câu thứ nhất yêu cầu “Phân tích những thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ của ngành Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở nước ta. Tại sao một số sản phẩm thuộc ngành này lại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam?”. Câu thứ hai “Chứng minh rằng đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất đối với việc phát triển nông nghiệp. Tại sao trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây diễn ra hết sức nghiêm trọng?”. Đây là những câu lý thuyết khó, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng khái quát, tổng hợp, phân tích kiến thức. Nhìn chung, đề Địa lý năm nay hay, có câu hỏi mở và rất thực tế nhằm phát huy tính sáng tạo của thí sinh.

 

MẠNH THÚY (ghi)

 

THÚY HẰNG - HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek