Thứ Năm, 03/10/2024 07:20 SA
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016:
Đầu vào dễ, đầu ra liệu có tốt?
Thứ Hai, 18/04/2016 00:00 SA

TS Trần Thanh Long tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành Kinh tế - Luật cho học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: T.HẰNG

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, đầu vào của nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) quá dễ, nhất là đối với một số trường, ngành xét tuyển chỉ căn cứ vào học bạ THPT. Khi đầu vào ngày càng dễ dãi thì đầu ra liệu có tốt? Đây là vấn đề được nhiều thí sinh Phú Yên băn khoăn tại các chương trình tư vấn mùa thi năm 2016.

 

VÀO ĐẠI HỌC: RẤT DỄ!

 

Những năm gần đây, các trường ĐH, CĐ trên cả nước không chỉ chủ động mở rộng cánh cửa đón thí sinh đến tiếp xúc, tìm hiểu, mà còn đến tận các trường THPT để tư vấn, hướng dẫn cụ thể để các em có thể lựa chọn trường, ngành nghề đúng năng lực bản thân, xác định được con đường lập thân lập nghiệp cho tương lai. Việc các trường ĐH, CĐ mở cửa tư vấn, chỉ đường dẫn lối cho thí sinh, được các trường và xã hội ủng hộ bởi đã góp phần định hướng đầu vào đại học, cũng chính là góp phần sàng lọc đầu ra cho nguồn nhân lực.

 

Tại Chương trình tư vấn mùa thi năm 2016 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu), nhiều học sinh hỏi rằng, hiện nay đầu vào của các trường ĐH rất dễ vì có không ít ngành điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT (thường không quá 15 điểm), thậm chí có nhiều trường chỉ xét tuyển dựa vào học bạ. Sự dễ dãi của đầu vào liệu có ảnh hưởng đến đầu ra?

 

Sự băn khoăn này của thí sinh là rất sát sườn, vì hiện nay cánh cửa đại học không còn quá xa vời đối với thí sinh. TS Nguyễn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tâm lý của phụ huynh và học sinh là cứ phải học ĐH mà không cần biết nhu cầu thực tế ra sao. Hiện nay, khâu dự báo của chúng ta còn yếu, các trường vẫn đào tạo theo nhu cầu của mình và nhu cầu người học trên cơ sở xác định chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Vậy nên, cùng một ngành học nhưng có rất nhiều trường đào tạo. Chỉ tiêu nhiều, đầu vào các trường ĐH ngoài công lập và kể cả một số trường công lập lại tương đối dễ nên học sinh tất yếu sẽ không chọn các bậc học thấp”.

 

Cạnh tranh đầu vào giữa các trường đại học giờ không còn chênh lệch nhiều, nhất là với các trường ngoài công lập. Từ khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng, không ít trường khá dễ dãi trong xét tuyển dù biết rằng dễ dãi đầu vào thì chỉ lợi được vài năm, sau đó hậu quả rất lớn là người đào tạo ra không được xã hội chấp nhận.

 

HỌC GIỎI SẼ KHÔNG SỢ THẤT NGHIỆP

 

Chuẩn đầu ra là một vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển của một trường đại học. Đó cũng là cam kết về chất lượng của trường đối với xã hội. Thế nhưng thực tế thì chưa có nhiều trường thực sự quan tâm nên học sinh vẫn còn mù mờ về chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo. Một thành viên Ban tư vấn của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, nhiều thí sinh thích chọn ngành học của các trường uy tín, nhưng cũng có không ít em chọn đại miễn là đậu ĐH nên bỏ qua sở thích của chính mình. Chính sự a dua chạy theo số đông bạn bè mà nhiều em đã không thể học tốt đại học”.

 

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, để mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh, nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức xét tuyển, thi riêng. Để biết mình thích hợp ngành nào, khả năng đến đâu, các em phải kiểm tra lại điểm các môn học suốt 3 năm học để biết thế mạnh của mình ở khối ngành nào. Ngoài ra, vì mỗi trường sẽ có điểm chuẩn khác nhau, nên các em cần chọn trường có điểm chuẩn vừa sức với mình. Điều quan trọng là các em phải chọn ngành nào các em thích chứ không phải vì do tâm lý phải vào đại học nên các em chọn ngành mình có thể đậu. Vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn trong suốt quá trình học đại học của các em, thậm chí có không ít sinh viên phải bỏ học vì chọn nhầm ngành, nhầm trường.

 

Còn TS Lê Hoàng Nghiêm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, nói: Bất cứ ngành nào, trường nào, đầu vào dù dễ hay khó nhưng nếu trong quá trình học, các em học tốt và biết tích lũy các kỹ năng mềm phù hợp với ngành nghề theo học thì cơ hội ra trường có việc làm của các em vẫn rất rộng mở. 

 

Phần lớn các nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên bằng cấp, còn người học thì xem mục tiêu phấn đấu của 12 năm đến trường cốt chỉ để đậu ĐH. Do đó, nhiều em cứ chăm chăm làm sao cho trúng tuyển mà bất chấp việc mình có thích ứng với trường, ngành chọn học. Nếu các em nhìn nhận đúng thực lực của mình và chọn ngành học, bậc học phù hợp sở trường, phù hợp nhu cầu thực tế thì áp lực thất nghiệp sẽ giảm đối với các cử nhân sau khi ra trường.

 

TS Trần Thanh Long, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

 

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek