Thứ Năm, 03/10/2024 22:33 CH
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020:
Cần thêm điều kiện vật chất và đội ngũ giáo viên
Thứ Tư, 30/12/2015 09:11 SA

Một giờ học tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Trường tiểu học Lạc Long Quân - Ảnh: H.MY

Sau 4 năm triển khai, đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020) đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong dạy và học tiếng Anh tại các trường học trong tỉnh. Tuy nhiên, để triển khai mạnh mẽ đề án này, các trường cần được hỗ trợ thêm về chuyên môn, cơ sở vật chất… 

 

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

 

Giờ học tiếng Anh của lớp 4B, Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa) diễn ra khá sôi nổi trong phòng Lab của trường. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Ngô Thị Trinh, giáo viên có bề dày 21 năm đứng lớp, hiện là Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh của nhà trường, các em hào hứng tìm hiểu bài học tiếng Anh về trang phục. Không khí lớp học diễn ra sôi nổi, thân tình, cô giáo như một người bạn lớn, tận tình hướng dẫn các em cách nghe, đọc sao cho đúng ngữ điệu. Em Lê Thu Hương, học sinh của lớp 4B, chia sẻ: “Em rất thích học tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Em và các bạn được học với sách giáo khoa nhiều tranh ảnh màu sắc, chơi trò chơi rất thú vị, xem các đoạn phim bằng tiếng Anh hấp dẫn. Chúng em được cô giáo luyện cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Nhờ vậy, em đã tự tin tham gia cuộc thi Kể chuyện bằng tiếng Anh do trường tổ chức và đạt giải nhì”.

 

Theo thầy Cao Sĩ Dật, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai thí điểm tại trường từ năm học 2012-2013. Để tạo điều kiện cho học sinh có phương tiện học tập, đề án đã trang bị một phòng Lab hiện đại với đầy đủ các thiết bị nghe nhìn trị giá hơn 500 triệu đồng. Sau năm đầu tiên triển khai cho gần 200 học sinh khối lớp 3, nhận thấy lợi ích mà đề án mang lại trong việc nâng cao kỹ năng nghe nói cho học sinh, nên năm học 2015-2016, trường mở rộng cho hơn 600 học sinh ở cả ba khối lớp 3, 4, 5 được học ngoại ngữ theo đề án. Ngoài tổ chức dạy theo chương trình quy định của Bộ GD-ĐT, trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hình thành CLB để tạo sân chơi, rèn luyện kỹ năng nghe, nói tiếng Anh cho học sinh. Vừa qua, trường đã tổ chức cho các em thi kể chuyện bằng tiếng Anh, hát bằng tiếng Anh, giao lưu với các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh… Thầy Dật chia sẻ: “Khác với chương trình cũ 2 tiết/tuần chỉ quan tâm đến kỹ năng đọc, viết cho học sinh, chương trình mới 4 tiết/tuần, chú trọng đến 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nên học sinh có phản xạ rất nhanh trong giao tiếp”.

 

Là một trong 32 trường điển hình được tỉnh chọn để thực hiện đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 khối THCS, thầy Quách Đình Công, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), thổ lộ: “Qua 3 năm thực hiện thí điểm đề án tại trường, chúng tôi nhận thấy có một sự chênh lệch khá rõ trong chất lượng học ngoại ngữ của học sinh giữa lớp đại trà và học sinh học theo chương trình thí điểm. Các em được học chương trình thí điểm phát triển đều các kỹ năng, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh hơn. Giáo viên cũng không ngừng phấn đấu để đạt chuẩn năng lực theo khung tham chiếu châu Âu mà Bộ GD-ĐT yêu cầu để đáp ứng yêu cầu dạy học theo đề án. Nhờ vậy, chất lượng bộ môn Tiếng Anh của trường được nâng lên đáng kể”.

 

CẦN HỖ TRỢ THÊM VỀ CHUYÊN MÔN

 

Theo phản ánh của lãnh đạo các trường đang triển khai thí điểm đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, mặc dù thời gian qua, các đơn vị đã được hỗ trợ nguồn kinh phí để trang bị cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động dạy học và ngoài giờ, nhưng để đạt được mục tiêu đề án đề ra, các trường cần bổ sung thêm các thiết bị cho việc học như: băng, đĩa CD, các thiết bị nghe nhìn. Một số trường cần được trang bị phòng chuyên biệt để dạy ngoại ngữ, các thiết bị hiện đại như: máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể…

 

Thêm vào đó, nội dung bài học khá nặng trong khi số tiết hạn chế, 4 tiết/tuần ở bậc tiểu học, 3 tiết/tuần ở bậc THCS và THPT, ít nhiều gây áp lực cho giáo viên và học sinh. “Khác với chương trình tiếng Anh đại trà đi sâu giảng dạy, củng cố ngữ pháp, chương trình tiếng Anh thí điểm theo đề án rèn cho học sinh cả 4 kỹ năng, nên yêu cầu khả năng tư duy của học sinh cao hơn. Với đề án này, các học sinh khá, giỏi sẽ có môi trường tốt để hoàn thiện các kỹ năng, trong khi các học sinh yếu muốn theo kịp chương trình, cần phải nỗ lực rất nhiều nếu không sẽ không bắt kịp chương trình, từ đó sinh ra chán nản, chất lượng học tập giảm sút. Vậy nên, bản thân các em cần phải tự giác, phụ huynh cần quan tâm, đốc thúc con em học thêm ở nhà. Về khung giảng dạy của đề án, Bộ GD-ĐT cần xem xét giãn chương trình học ra để phù hợp với mọi đối tượng học sinh”, cô Ngô Thị Trinh phân tích.

 

Ngoài ra, thiếu giáo viên cũng gây nhiều khó khăn trong việc triển khai đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 hiện nay. Ngành Giáo dục đã nhiều lần kiến nghị bổ sung biên chế tiếng Anh cho các trường, nhất là bậc tiểu học, nhưng chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực theo khung tham chiếu châu Âu còn thấp. Phần lớn giáo viên dạy tiểu học và một bộ phận giáo viên dạy THCS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong việc tiếp cận với chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu. Ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, cho rằng: “Ngoài việc khảo sát và bồi dưỡng năng lực chuyên môn, cơ quan quản lý giáo dục và các trường nên tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như: đánh giá định kỳ, đánh giá qua dự giờ, khảo sát chất lượng học sinh…”.

 

Theo ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 41/307 trường tiểu học, THCS, THPT triển khai thí điểm đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tính đến cuối năm 2015, tổng số giáo viên đạt chuẩn theo quy định ở các cấp là: Tiểu học có 79/218 giáo viên; cấp THCS 266/467 giáo viên; cấp THPT 114/219 giáo viên. Để nhân rộng và đẩy mạnh thực hiện đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên môn ngoại ngữ, mục tiêu đến tháng 8/2016, tất cả các giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định từng cấp học. Ngoài cử giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức, ngành còn tổ chức bồi dưỡng tại địa phương; đồng thời phối hợp với Trường đại học Đà Nẵng tiếp tục tổ chức khảo sát lại số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục trang bị phòng học bộ môn, đầu tư mua sắm trang thiết bị, cung cấp kinh phí đề án cho các trường một cách kịp thời hơn.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek