Thứ Sáu, 04/10/2024 18:34 CH
Đổi mới giáo dục: Đừng hấp tấp
Thứ Tư, 12/08/2015 10:51 SA

Học sinh Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) trong một tiết học - Ảnh: T.HẰNG

Những ngày qua, dư luận xã hội “dậy sóng” xung quanh một điều trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới của Bộ GD-ĐT là thay tên gọi lớp trưởng thành chủ tịch hội đồng tự quản. Rất nhiều ý kiến phản bác, không đồng tình, cho rằng việc gọi lớp trưởng là chủ tịch là một cách gọi buồn cười, lố bịch và không có ích vì như thế là cho học sinh đóng vai quan chức sớm quá, dễ tạo cho các em tâm lý háo danh, kèn cựa, địa vị. Một số nhân vật trọng yếu của Bộ GD-ĐT thì giải thích rằng việc đặt ra một hội đồng tự quản để học sinh bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch sẽ làm tăng khả năng tự chủ, tự quản của học sinh, tạo điều kiện để các em cùng sinh hoạt, trao đổi, góp ý lẫn nhau qua đó tăng cường kỹ năng sống.

 

Từ suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng cách gọi chủ tịch lớp là một cách gọi hoàn toàn bình thường, không có gì vênh lệch hay lố bịch cả. Nếu đặt trong tương quan giữa quốc trưởng - tỉnh trưởng - huyện trưởng - xã trưởng - hiệu trưởng - lớp trưởng và chủ tịch nước - chủ tịch tỉnh - chủ tịch huyện - chủ tịch xã - chủ tịch trường - chủ tịch lớp thì sẽ thấy cách gọi chủ tịch lớp so với cách gọi lớp trưởng về ý nghĩa chẳng có gì khác biệt. Chỉ có điều lâu nay người ta đã quá quen với cách gọi lớp trưởng nên bây giờ nghe nói đến chủ tịch lớp thì cảm thấy lạ, thấy chướng mà thôi. Giả sử từ xưa đã gọi là chủ tịch lớp thì bây giờ từ lớp trưởng cũng sẽ trở thành lạ lẫm.

 

Âu cũng chỉ là cái tên gọi, về bản chất chẳng có gì khác. Từ điều này có thể thấy việc thay đổi từ tên gọi lớp trưởng sang chủ tịch lớp là không cần thiết vì nó chẳng những không đem lại thay đổi tích cực nào mà còn gây xôn xao dư luận. Những ích lợi của cách gọi này theo như giải thích của những quan chức Bộ GD-ĐT đã đề cập ở trên theo tôi chỉ là lý thuyết hoa mỹ mà hoàn toàn thiếu tính thực tế. Ai cũng hiểu rằng, với học sinh tiểu học - lứa tuổi mà những bậc cha mẹ theo cách nuôi dạy con ở Việt Nam là phải theo sát từng bữa ăn, giấc ngủ - thì việc tổ chức ra một hội đồng tự quản để các em phát huy quyền tự do, tự chủ bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch, rồi trao đổi, góp ý, xây dựng lẫn nhau để cùng tiến bộ là điều bất khả thi nếu không muốn nói là ảo tưởng.

 

Điều này khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về chuyện đổi mới. Người xưa dạy rằng “Nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Ngày ngày đều phải luôn đổi mới, tiếp tục đổi mới nữa). Xã hội muốn phát triển thì phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để hướng đến những tầm cao mới, những chân trời khác. Sự bảo thủ, cố chấp, không chịu thay đổi chính mình sẽ là lực cản lớn khiến xã hội trở nên trì trệ, chậm phát triển. Tuy nhiên, sự đổi mới chỉ thực sự đem lại những hiệu quả tích cực nếu đó là sự thay đổi đúng đắn, khoa học, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Còn sự thay đổi vội vàng, hấp tấp, thiếu thực tế, thiếu khoa học thì chỉ khiến tình hình phức tạp thêm mà thôi. Cho nên, trước khi đưa ra bất cứ một sự thay đổi nào (nhất là trong giáo dục - lĩnh vực được xem là quốc sách hàng đầu, được xã hội đặc biệt quan tâm) những người có trách nhiệm cần phải đắn đo, suy nghĩ, phân tích một cách khoa học để sự đổi mới thật sự đem lại hiệu quả. Đừng đổi mới theo kiểu phải thay đổi sao cho khác trước còn hiệu quả ra sao thì chẳng cần biết đến.

 

 

Thạc sĩ HỒ TẤN NGUYÊN MINH

(Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek