Trong giai đoạn hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu kép: nhân lực cho thời kỳ CNH-HĐH đất nước và nhân lực cho thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Phú Yên là một tỉnh nằm xa các trung tâm lớn và còn là tỉnh nghèo, muốn thực hiện được yêu cầu kép này của nguồn nhân lực, theo chúng tôi, cần phải quan tâm đến các vấn đề sau:
Thứ nhất: Các trường và cơ sở đào tạo cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của các ngành nghề cần đào tạo, từ đó xây dựng chương trình, nội dung và thời gian đào tạo các loại hình, chuyên ngành đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, nguồn nhân lực thích ứng với thị trường lao động mới; bên cạnh đó, cần phải nhớ rõ rằng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực mà xã hội đang cần chứ không phải là đào tạo theo những ngành nghề mà trường có.
Thứ hai: Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo với tinh thần hội nhập kinh tế thế giới. Nguồn nhân lực qua đào tạo phải được trang bị đầy đủ về lập trường, quan điểm của dân tộc đến ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề; đặc biệt là kỹ năng thực hành của các chuyên ngành đào tạo và tác phong công nghiệp... Phong cách giao tiếp, khả năng sử dụng tiếng nước ngoài và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình lao động của nguồn nhân lực mới.
Thứ ba: Đào tạo nguồn nhân lực phải có tính liên thông từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ trình độ công nhân lành nghề đến TCCN, CĐ, ĐH và trình độ cao hơn hoặc đào tạo mang tính chuyên sâu: chuyên gia, nghệ nhân… Các cơ sở đào tạo cũng phải luôn tạo điều kiện thuận lợi về hình thức, thời gian đào tạo để người lao động có thể tham gia học tập nâng cao hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, cập nhật kiến thức mới một cách linh hoạt, dễ dàng và ít tốn kém về thời gian và tài chính. Chỉ như vậy mới vừa thích ứng nhanh với thị trường lao động, vừa tạo ra một xã hội học tập mà tổ chức UNESCO đã khẳng định khi nói về bốn trụ cột của giáo dục thế kỷ XXI là: “Học để biết; Học để làm; Học cùng chung sống, học cách sống người khác và Học để tự khẳng định mình”.
Thứ tư: Đội ngũ cán bộ quản lý, những người tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải được cập nhật đầy đủ những thông tin mới về quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới để có quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng “vừa hồng, vừa chuyên”; thường xuyên tìm hiểu nhu cầu lao động của xã hội và thị trường lao động mới để có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngày càng thích ứng hơn.
Thứ năm: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nguồn nhân lực phải được trang bị đồng bộ, hiện đại để giúp cho tay nghề nguồn nhân lực sau khi ra trường thích ứng ngay với thị trường lao động đa dạng, phức tạp và đầy năng động, sáng tạo của thời kỳ đầu nước ta vừa mới gia nhập tổ chức thương mại thế giới và hội nhập kinh tế.
Thứ sáu: Xây dựng bộ chuẩn kiểm tra đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các trường và cơ sở đào tạo từng bước được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn chất lượng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Người được cấp văn bằn, chứng chỉ sau khi tốt nghiệp các khoá đào tạo phải đạt trình độ chuẩn về mặt kiến thức và tay nghề, được người sử dụng nguồn nhân lực thừa nhận.
Th.S TRẦN NGỌC HIỆP
(Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Yên)