Năm học 2006 - 2007 là năm đầu tiên áp dụng thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT. Nhưng do Bộ GD - ĐT công bố quyết định muộn (đầu học kỳ 2) khiến cả giáo viên và học sinh chịu áp lực nặng nề.
CẢ THẦY LẪN TRÒ ĐỀU LO!
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ ôn tập kiến thức thi trắc nghiệm - Ảnh: D.T.X
Thi bằng hình thức trắc nghiệm không phải là cách thi quá khó và hoàn toàn mới lạ, gây ngỡ ngàng đối với học sinh và giáo viên bởi trước đó, Sở GD – ĐT cũng đã tổ chức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ. Tuy nhiên, tại kỳ thi thử trắc nghiệm 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học do Bộ GD – ĐT tổ chức dành cho học sinh khối 12, Phú Yên chỉ có 16,5% học sinh thi môn Vật lý, 29,2% môn Hoá học và 58,4% môn Sinh học đạt điểm trung bình từ 5 trở lên. So với các địa phương khác trong cả nước, tỉ lệ này là quá thấp, nhất là với 2 môn Vật lý, Hoá học. Theo nhận xét của ông Nguyễn Xuân Tình, Trưởng phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin Sở GD – ĐT Phú Yên: “Kết quả thi thử đã phản ánh đúng chất lượng thực học của học sinh. Đa số học sinh không làm được bài, nên khi gần hết giờ nhiều em đành phải chọn đáp án “may rủi” hoặc bỏ trống”.
Tuy chỉ là một kỳ thi thử, nhưng kết quả nói trên đã khiến những người quan tâm đến giáo dục Phú Yên phải giật mình. Nhiều người hoang mang, đặt câu hỏi: Liệu chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến kỳ thi chính thức, tình hình có thay đổi được không?
Một học sinh của trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), cho biết: “Đề thi thử trắc nghiệm vừa qua không khó, nhưng đòi hỏi kiến thức bao quát. Do tụi em còn chủ quan trong quá trình hệ thống kiến thức nên chưa chọn được câu trả lời đúng”.
Em Nguyễn Thị Như Hà, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) thì bày tỏ: “Thi trắc nghiệm, các đáp án mà đề thi đưa ra cứ na ná giống nhau. Do đó, nếu không nắm vững kiến thức thì khó đạt kết quả cao”.
Lâu nay, chất lượng đào tạo của các trường THPT Nguyễn Huệ, Lê Trung Kiên, Lê Hồng Phong, Trần Quốc Tuấn luôn được đánh giá cao, tỉ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm bình quân đạt từ 90 đến 100%. Song, tại kỳ thi thử vừa qua, tỉ lệ học sinh đạt điểm trung bình 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học của các trường này chỉ xấp xỉ 50 – 60%. Riêng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, có đến 34,3% học sinh môn Vật lý bị điểm dưới 5(!) Đối với các trường thuộc hệ bán công, dân lập, tỉ lệ học sinh điểm dưới trung bình chiếm 80 – 90%.
Ông Lê Xuân Quang, Hiệu trưởng Trường bán công Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hoà) cho biết: “Kỳ thi thử vừa qua, toàn trường chỉ có 18 học sinh môn Vật lý (tỉ lệ 4%), 27 học sinh môn Hoá học (tỉ lệ 6%), 164 học sinh thi môn Sinh học (tỉ lệ 36,5%) đạt điểm trung bình trở lên. Kết quả này thực sự làm thầy và trò đều lo lắng”.
CHẠY ĐUA VỚI KIẾN THỨC BỊ HỔNG
Chất lượng học tập của học sinh kém dẫn đến thi cử chưa đạt hiệu quả. Vấn đề là các trường nên tự đánh giá lại việc dạy và học. Bởi trên thực tế, dù Sở GD – ĐT nghiêm cấm, nhưng một số trường vẫn còn tồn tại kiểu dạy trọng tâm, dạy bài tủ để học trò dễ đậu tốt nghiệp theo phương pháp tự luận như lâu nay vẫn làm. Cho đến khi chủ trương thi trắc nghiệm có hiệu lực, thì nảy sinh tình trạng dạy dồn làm cho giáo viên lẫn học sinh đều căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng dạy – học.
Hiện Sở GD – ĐT đã có công văn yêu cầu các trường tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém, ôn tập chu đáo, đầy đủ nội dung chương trình các môn thi tốt nghiệp theo sách giáo khoa và các bộ đề thi trắc nghiệm của Bộ GD – ĐT. Mục đích giờ học không phải là giáo viên truyền thụ lời giảng, học sinh nghe, ghi nhớ và nhắc lại, mà phải làm sao tích cực hoá quá trình học tập, kích thích óc sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, tự giám sát và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Căn cứ vào nội dung và mức độ yêu cầu về bộ đề thi trắc nghiệm của Bộ GD – ĐT, các trường chỉ đạo tổ, nhóm bộ môn ra đề kiểm tra thường xuyên theo hình thức trắc nghiệm để các em làm quen và rèn luyện kỹ năng làm bài.
Trắc nghiệm khách quan là một hình thức thi khoa học, tập hợp được các câu hỏi kiểm tra kiến thức và chương trình học sinh đã học, có nhiều câu hỏi có thể trải khắp nội dung môn học, cho phép kiểm tra được một cách có hệ thống và toàn diện kiến thức và kỹ năng ở nhiều cấp độ. Mặt khác, hình thức này còn tránh được việc học tủ, dạy tủ.
Năm 2007, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức lần 2. Tuy nhiên, nếu kiến thức không vững vàng thì dù có thi nhiều lần cũng khó mà đạt kết quả tốt. Ông Tình khẳng định: “Dù có tham khảo tài liệu ôn thi nào thì chuyện học từ sách giáo khoa phải là hàng đầu. Các câu hỏi trắc nghiệm được xem là để luyện tập sau khi đã học theo bài, theo chương ở sách giáo khoa, ở bài giảng của thầy cô. Các em không nên xem các câu hỏi trắc nghiệm là khuôn mẫu để căn cứ vào đó mà ôn tập”.
MẠNH THUÝ