Thứ Bảy, 05/10/2024 22:30 CH
Các trường học ở miền núi:
Đa dạng hóa trường lớp để thu hút học sinh
Thứ Bảy, 10/03/2007 07:31 SA

Dạo một vòng quanh 4 lớp học dành riêng cho học sinh dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) không giấu được vui mừng, nói: “Gần 30 năm công tác ở đây, tôi thấy rằng mỗi năm học mà tìm được một học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 10 là hiếm lắm. Nay thì khác, đã có 147 em đang theo học cấp 3”. 2 trường THPT Lê Lợi và Phổ thông cấp 2 – 3 Xuân Phước ở huyện Đồng Xuân đều là trường công lập, học sinh đủ điểm xét tuyển mới được vào học. Điều này đã làm hạn chế phần nào cơ hội vào cấp 3 của học sinh trong huyện. Tuy nhiên, đây chưa phải là nguyên nhân chính.

 

070310-a3.jpg

Năm học 2007 – 2008, học sinh lớp 10 ở 2 xã Xuân Lãnh, Đa Lộc sẽ được học tại Trường THCS Chu Văn An hiện nay (xã Xuân Lãnh)

 

Qua khảo sát của chúng tôi, lý do học sinh dân tộc thiểu số chưa mặn mà với việc học cấp 3 là vì điều kiện đến trường rất khó khăn. Chẳng hạn, học sinh ở các xã Xuân Lãnh, Đa Lộc, Phú Mỡ muốn đi học phải vượt 25 – 30 cây số về thị trấn La Hai. Không chỉ khó khăn trong đi lại, các em còn phải lo nơi ăn, chốn ở vì theo quy định hiện nay, học sinh cấp 3 không được hưởng chế độ bán trú.

 

Trước thực tế này, năm học 2004 – 2005, huyện Đồng Xuân thực hiện chế độ bán trú, hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/tháng/học sinh (trong đó, tỉnh hỗ trợ 30.000 đồng, huyện 70.000 đồng) và bố trí chỗ ở cho tất cả học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học lớp 10. Với cách làm này, qua 3 năm học, Đồng Xuân đã huy động được 147 em theo học lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Ông Nguyễn Kim Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện, bày tỏ: “Là huyện miền núi, ngân sách hàng năm không nhiều nhưng nếu chúng tôi không thực hiện chủ trương này thì không biết đến bao giờ trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới được cải thiện. Vì vậy, dù khó khăn, địa phương cũng cố gắng động viên các em đến trường”.

 

Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện để học sinh tiếp tục học lên cấp 3, Đồng Xuân còn đa dạng hoá trường lớp, “giữ chân” học sinh ở bậc THCS. Mới đây, Sở GD – ĐT đã có cuộc khảo sát và làm việc với UBND huyện Đồng Xuân về việc thành lập Trường cấp 2 – 3 trên cơ sở nâng cấp Trường THCS Chu Văn An tại xã Xuân Lãnh để đáp ứng nhu cầu học THPT của  học sinh ở 2 xã Xuân Lãnh và Đa Lộc. Ông Đặng Thế, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết: Hàng năm, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 của xã rất cao. Thế nhưng, sau 4 năm học, số học sinh bỏ học cũng nhiều. Suy nghĩ đi học cấp 3 vừa xa, vừa tốn kém làm học sinh, phụ huynh không mặn mà với việc theo học hết cấp 2. Do đó, nhà trường rất khó khăn trong việc “níu” chân các em.

 

Toàn tỉnh hiện có 34.327 học sinh bậc THPT, tăng 2.169 em so với cùng kỳ năm học trước. Trong đó, tuyển mới vào lớp 10: 13.155 học sinh/265 lớp, đạt tỷ lệ 77,53% so với học sinh tốt nghiệp THCS (hệ công lập có 7.955 em, ngoài công lập 5.200 em). Theo đánh giá của Sở GD – ĐT, có được kết quả này là nhờ các địa phương đã biết đa dạng hoá trường lớp để thu hút học sinh.

Hiện 2 xã Xuân Lãnh và Đa Lộc có 1189 học sinh theo học cấp 2, trong đó 224 em đang học lớp 9. Xét về số lượng học sinh thì hai xã này đủ tiêu chuẩn để mở cấp 3 tại địa phương. Ông Thế nói: “Nếu không có cách thu hút học sinh đi học bằng chế độ bán trú của huyện thì còn lâu mới “kéo” được học sinh vùng sâu, vùng xa đi học cấp 3 như hiện nay. Nhờ cách làm này mà những năm qua, học sinh bỏ học giữa chừng ở bậc THCS giảm, tạo cơ sở để mở các lớp cấp 3 sắp đến”.

 

Toàn tỉnh hiện có 420 trường, trong đó chỉ có 28 trường THPT. Trước đây, mỗi huyện miền núi chỉ có 1 trường THPT đặt tại trung tâm huyện, nên học sinh vùng xa đi học rất khó khăn. Nay thì khác, trong năm học 2006 – 2007, Trường cấp 2 – 3 Tân Lập được thành lập và ngay lập tức đã thu hút trên 98% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10. Ông Nguyễn Đức Nam, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Học sinh ở các xã Ea Ba, Ea Ly, Ea Lâm nếu đến thị trấn Hai Riêng để học cấp 3 thì sẽ không tới 50%. Được đi học gần nhà, đây là thuận lợi có tác động rất lớn trong việc huy động học sinh ra lớp”.

 

Hiện Phú Yên có 13.121 học sinh dân tộc thiểu số theo học chương trình phổ thông, trong đó có 3.656 em học cấp THCS, 929 em học THPT, tăng hơn đầu năm học trước 3,16%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc nâng cao dân trí đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Trần Văn Chương, Giám đốc Sở GD – ĐT, cho biết: “Trong năm học 2007 - 2008 ngành giáo dục đào tạo sẽ thành lập thêm 2 trường cấp 2 – 3 tại xã Sơn Long (huyện Sơn Hoà) và xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) nhằm góp phần huy động tối đa học sinh vào lớp 10, tạo cơ sở vững vàng cho việc phổ cập THPT trong thời gian đến”.

 

NHẬT QUỲNH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek