Thứ Bảy, 05/10/2024 22:25 CH
Nỗ lực của cô Sương
Thứ Ba, 06/03/2007 08:10 SA

Gần gũi, cởi mở, đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với cô giáo Dương Thị Sương (Trường Mẫu giáo dân lập Xuân Phước, huyện Đồng Xuân). 29 năm làm người nuôi dạy trẻ, cô nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ với mục đích duy nhất dạy trẻ được tốt hơn.

 

070305-mua.jpg

Cô Sương đang dạy trẻ học múa. -  Ảnh: T.HẰNG

 

Năm 1978, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô phải bỏ dở việc học khi chưa kịp hoàn thành chương trình lớp 9. Ở thôn Phú Xuân B hồi ấy, người học đến lớp 9 không nhiều, nhờ vậy, cô được UBND xã mời làm giáo viên mẫu giáo.

 

Khi đó, trình độ của giáo viên mẫu giáo không đồng đều. Người học đến lớp 7, người lớp 8, lớp 9 và cao nhất cũng chỉ đạt đến trình độ 9 +3. Cô Sương sớm nhận ra rằng, muốn đảm bảo chất lượng dạy học, phải nhanh chóng nâng cao trình độ. Vì vậy, ngoài thời gian đến trường dạy trẻ học hát, học múa, cô giáo Sương chịu khó đi học bổ túc văn hoá lấy bằng tốt nghiệp bổ túc THCS và được ngành giáo dục tạo điều kiện đi học bồi dưỡng nghiệp vụ mầm non. “Dù được bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng vì chưa được đào tạo chuyên ngành nên tôi gặp rất nhiều hạn chế khi lên lớp. Vậy nên, tôi phải nâng trình độ lên 9+3” – cô Sương nói.

 

Càng học càng thấy mình bị thiếu kiến thức nên cô Sương lại tiếp tục học. Thế nhưng, hồi ấy mỗi trường trong xã chỉ có một, hai người được đi học bổ túc nâng cao trình độ mỗi năm. Chờ đến lượt mình thì lâu quá nên cô Sương tiếp tục học bổ túc văn hoá và lấy bằng tốt nghiệp bổ túc THPT. Giờ đây, sắp bước sang tuổi 50 nhưng cô vẫn theo học đại học từ xa chuyên ngành mầm non.

 

Cô Sương bộc bạch: “Trước đây, giáo viên mầm non chủ yếu dạy cho trẻ biết chào hỏi, dạ thưa và dạy hát, múa. Vài năm gần đây, trẻ mẫu giáo được chăm sóc và giáo dục theo chương trình mới. Mục tiêu của chương trình là hình thành ở trẻ những kỹ năng ban đầu, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ và thể chất. Do đó, nếu giáo viên không có chuyên môn nghiệp vụ nhất định thì khó mà dạy tốt được”.

 

Chương trình giảng dạy ở bậc học mầm non gồm những chủ điểm: trường mầm non; gia đình, một số nghề; thế giới động vật; tết và mùa xuân; thế giới thực vật; phương tiện và luật lệ giao thông; quê hương, đất nước, Bác Hồ... Mỗi chủ điểm đều được cụ thể hoá qua những môn học như: thể dục, làm quen với môi trường xung quanh, hoạt động tạo hình (vẽ), âm nhạc (hát, vỗ tay, gõ tiết tấu), hình thành các biểu tượng toán sơ đẳng (số đếm từ 1 – 10, nhận biết hình vuông, chữ nhật, tam giác...), làm quen với văn học (nghe cô giáo đọc thơ và kể chuyện), làm quen với chữ cái. Lượng kiến thức cần trang bị cho các em nhiều, giáo viên phải có tấm lòng yêu mến trẻ thực sự mới dạy học đạt hiệu quả. Cô Sương cho biết: “Dạy trẻ 5 tuổi, cô giáo không cần nói nhiều, chủ yếu là phải biết gần gũi, nắm bắt tâm tư và mong muốn của trẻ, phải biết trẻ muốn gì thì mới uốn nắn, dạy dỗ các em được”.

 

Vào nghề “gõ đầu trẻ” với trình độ chưa qua lớp 9, nhưng chịu khó, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu, 29 năm qua cô giáo Sương không những đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh mà còn được bà con trong thôn yêu mến, tin tưởng mỗi khi giao con mình cho cô chăm sóc, giáo dục. Bà Nguyễn Vân Huyền, chuyên viên mầm non Phòng Giáo dục huyện Đồng Xuân nói: “Ở cái tuổi gần 50, trong khi nhiều giáo viên chỉ chờ về hưu thì cô Sương vẫn không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm dạy dỗ các em tốt hơn. Đây thực sự là tấm gương sáng trong dạy học mà nhiều giáo viên trẻ cần học hỏi”.

 

KHÁNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek