Thứ Sáu, 04/10/2024 02:22 SA
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư với công tác chống tham nhũng hiện nay
Thứ Hai, 05/02/2007 07:40 SA

LTS:  Ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 06 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động được tiến hành trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân từ 3/2/2007 đến hết nhiệm kỳ khóa X. Dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng vừa qua, từ Trung ương đến các địa phương... đều tổ chức phát động cuộc vận động này. Thiết thực hưởng ứng cuộc vận động, kể từ số báo hôm nay, Báo Phú Yên mở Diễn đàn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên trang Tòa soạn - Bạn đọc và Xây dựng Đảng. Tòa soạn mong muốn nhận được bài viết tham gia của các nhà nghiên cứu lý luận chính trị, các đồng chí cách mạng lão thành, cùng toàn thể cộng tác viên và bạn đọc. Bài viết tham gia diễn đàn xin gởi về Báo Phú Yên, 62 Lê Duẩn, TP Tuy Hòa, Phú Yên; Fax: 057.842772, Email: tsbpy@dng.vnn.vn, .

 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức thì cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người, đặc biệt đối với người cách mạng. Đây là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến phẩm chất này nhiều nhất, thường xuyên nhất ngay từ năm 1927, khi Người viết tác phẩm “Đường cách mệnh” cho đến khi Người viết bản “Di chúc” cuối cùng.

 

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những khái niệm đạo đức phương Đông, đạo đức truyền thống Việt Nam được Hồ Chí Minh tiếp thu chọn lọc, kế thừa những nội dung tích cực và bổ sung vào những yêu cầu và nội dung mới do sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước đặt ra.

 

Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gắn bó chặt chẽ với phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”. Việc thực hiện phẩm chất này đòi hỏi mỗi người phải lấy bản thân mình làm đối tượng điều chỉnh. Nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong công tác, sinh hoạt.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cần” là siêng năng chăm chỉ, cố gắng dẻo dai, làm việc có năng suất, có hiệu quả. Có “Cần” thì việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được.

 

“Kiệm” là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của; tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, vì nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to. Không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức, không liên hoan lu bù lãng phí thời gian, công sức, tiền của của dân, của nước, của bản thân. Tiết kiệm là để tích trữ vốn, mở rộng sản xuất. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, việc đáng tiêu mà không dám tiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm…”. Theo Người, “muốn tiết kiệm có kết quả tốt, thì phải khéo tổ chức… Biết tổ chức thì tiết kiệm được sức lực, thời giờ và vật liệu”. “Cần” và “Kiệm” phải đi đôi với nhau “Cần mà không Kiệm thì làm chừng nào xào chừng ấy. Kiệm mà không Cần thì không tăng thêm, phát triển được”.

 

“Liêm” là luôn coi trọng giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân. Phải “trong sạch, không tham lam. Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh, chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham đó là ham học hỏi, ham làm, ham tiến bộ”.

 

“Chính” là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn nghĩa là “Tà”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong xã hội có trăm công nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thức: việc “Chính” và việc “Tà”. Làm việc “Chính” là người thiện. Làm việc “Tà” là người ác. Siêng năng, tằn tiện, trong sạch là Chính là thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là Tà, là ác. Người “Chính” là đối với mình, không tự kiêu tự đại, luôn cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình. Đối với người, không nịnh hót, không xem khinh người dưới, thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết, phải học người và giúp người tiến bộ, “phải thực hành chữ bác ái”. Đối với việc, phải để việc công lên việc tư.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cần, kiệm, liêm, chính” là bốn phẩm chất đạo đức, là thước đo bản chất người của mỗi con người. “Cần, kiệm, liêm, chính” quan hệ với nhau như một chỉnh thể tự nhiên. Người viết:

 

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”.

 

Đối với Hồ Chí Minh, “Cần, kiệm, liêm, chính” luôn gắn “Chí công vô tư”. Theo Người, “Chí công vô tư” là “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”. Người đòi hỏi thực hành “Chí công vô tư” là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là một thứ địch rất gian xảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thứ “vi trùng rất độc hại”. Nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan tham ô, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng… Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải dày xéo lên lợi ích cá nhân, mà phải giải quyết hài hòa quan hệ chung - riêng. Nghĩ đến lợi ích riêng nhưng cần ưu tiên lợi ích chung. Tư tưởng cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, luôn là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt trong toàn bộ quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách để không ngừng tiến lên trong hơn 75 năm đã qua.

 

Bên cạnh những mặt tích cực, đời sống đạo đức xã hội trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hành vi phi đạo đức. Mặt tiêu cực của kinh tế thị trường lan tỏa khá nhanh và gây nên nhiều tệ nạn trong đời sống xã hội. Nạn tham nhũng và tệ quan liêu đã trở thành một trong bốn nguy cơ lớn đe dọa sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.

 

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước những vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức, nguy cơ không nhỏ. Để tranh thủ nắm bắt thời cơ, tận dụng vận hội, vượt qua mọi thử thách, đẩy lùi mọi nguy cơ để sự nghiệp đổi mới tiếp tục tiến lên, toàn Đảng, toàn dân ta phải có một nỗ lực phi thường không ngừng phấn đấu vươn lên cả về năng lực trí tuệ, cả về đạo đức, lối sống. Trong điều kiện như vậy, việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tư tưởng Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết và phải được coi như một nhiệm vụ thường xuyên của mỗi người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên. Đó cũng chính là một trong những điều kiện quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay do Đảng ta phát động.

 

TS ĐẶNG VĂN THÁI

(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek