Thứ Sáu, 04/10/2024 12:22 CH
"Cần mạnh dạn thay những cá nhân lỗi nhịp trong bộ máy"
Thứ Năm, 18/01/2007 10:18 SA

Việt Nam cần tiến hành những "cuộc cách mạng nhỏ" trong quản lý, mạnh dạn thay thế người mới để "sự trì trệ không nằm trong dòng chảy của mình". Ông Lý Quang Diệu, kiến trúc sư của đất nước Singapore tư vấn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp gỡ chiều 16/1.

070118--Thu-tuong-don-Bo-tr.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Bộ trưởng cố vấn Singapore Lý Quang Diệu

Trong buổi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 16/01/2007, Bộ trưởng Cố vấn Singapore Lý Quang Diệu, vị Thủ tướng đã đưa quốc đảo Singapore nhỏ bé trở thành đô thị hiện đại nhất châu Á với mức thu nhập bình quân đầu người không thua kém phương Tây, bày tỏ vui mừng trước những thay đổi của Việt Nam.

"Hiện nay, với đội ngũ lãnh đạo mới, 2 năm qua, Việt Nam đang chuyển đổi và sẽ có nhiều bước tiến hơn nữa", ông Lý Quang Diệu nhận định. Gia nhập WTO, Việt Nam có thể tăng tốc phát triển, mở cửa nhanh hơn để đón nhận đầu tư, phát triển nhanh hơn và đặc biệt sẽ cần nguồn nhân lực. "Làn gió đổi mới, thay đổi đang thổi. Đó sẽ là cơn gió thay đổi lớn", ông Lý Quang Diệu khẳng định.

Ông dự đoán, Việt Nam trong 5 năm tới sẽ bắt kịp tốc độ của các nước trong khu vực. Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, và New Zealand. Việt Nam đã mất nhiều thời gian, bỏ lỡ một số cơ hội. Bây giờ, Việt Nam phải bù đắp cho cơ hội đã mất đó, "cần bù đắp và tiến kịp".

Mạnh dạn thay người mới để không trì trệ

070118--Ttuong-Bo-truong.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm cùng Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu

Theo nhìn nhận của ông Lý Quang Diệu, hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển của Trung Quốc những năm 80 của thế kỷ 20. "Trung Quốc đã làm những điều mà chắc là Việt Nam phải làm như thế, và chúng ta đều biết quy trình của nó", ông Lý Quang Diệu phân tích.

Vì vậy, Việt Nam cần đi đầu trong các lĩnh vực như thị trường chứng khoán, cải cách ngân hàng, giao thông vận tải... có thể rút ngắn quá trình và tránh được những lỗi không đáng có.

Khi học kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam nên "lập nhóm đặc nhiệm trong lĩnh vực cần thay đổi", tập hợp những người có khả năng và kinh nghiệm. Họ sẽ cùng ngồi lại, trao đổi về cách làm của Trung Quốc và đưa ra cách làm của riêng Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam có thể tiến hành song song một biện pháp khác.. Bởi, bất kỳ cơ chế nào cũng có lúc lỗi thời sau một thời gian vận hành.

Theo kinh nghiệm của Singapore, chính quyền nên quay lại để tìm cách thay đổi. Ra nước ngoài để học phương pháp tốt. Sau đó, quay lại, và khởi động lại. Đây sẽ là những tác nhân tích cực.

Ông Diệu phân tích rõ thêm, bắt đầu bất kỳ một công việc gì, bao giờ thời điểm ban đầu bộ máy cũng hoạt động rất tốt. Qua thời gian, trong bộ máy đang vận hành, sẽ có những cá nhân cụ thể bị "lỗi nhịp".

Với những người này, có hai lựa chọn, hoặc là gửi người đó ra nước ngoài học cách làm tốt, tìm cách thay đổi hoặc cho luân chuyển ra môi trường khác, học những điều mới từ đó thay đổi hệ thống, làm tốt hơn.

"Quan trọng là không để sự trì trệ nằm trong dòng chảy của mình. Đó là việc làm cần thiết mặc dù đôi khi sẽ không được ủng hộ".

"Đôi lúc chúng ta phải làm mạnh vào những thời điểm không còn bộ óc mới, ý tưởng mới, không còn đủ dũng khí", ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh. "Mạnh dạn có người mới thay thế là cách giúp Singapore không trì trệ". Việt Nam đang ở trong giai đoạn quan trọng để phát triển trong 5 năm tới, do đó, rất cần những người trẻ, năng động, nhiệt huyết làm, không thể thả lỏng.

Ông Diệu chia sẻ cách quản lý của Singapore, "chúng tôi ra Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản học, sau đó quay về tạo sự thay đổi. Sự thay đổi đó có thể đảo lộn nhưng đó là điều tốt và cần thiết". Việt Nam cũng cần như vậy. Và đây có thể là một cuộc cách mạng nhỏ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận dự báo, góp ý của ông Lý Quang Diệu là "thiết thực, chân tình" và việc thực hiện đã "có những tiến triển". Cụ thể:

 

Trong chuyến thăm Singapore năm 2002, ông Lý Quang Diệu nói Việt Nam còn có thể tăng trưởng 8 - 9% hoặc hơn nữa chứ không chỉ dừng ở mức 7% như tại thời điểm đó. Thực tế, năm 2005 Việt Nam tăng trưởng với tốc độc 8,4% và năm 2006 là 8,2%.

 

Ông Lý Quang Diệu cũng khuyên VN tập trung huy động vốn trong nước, vay bên ngoài là cần thiết nhưng cần hết sức thận trọng. Khu công nghiệp VN  - Singapore theo sáng kiến của ông Lý Quang Diệu rất thành công, hiện đang chuyển sang giai đoạn hai và mở rộng ra phía Bắc.

 

Thủ tướng mong thời gian tới hai nước sẽ đẩy mạnh kết nối hàng hải và kết nối thị trường chứng khoán.

 

"Việt Nam muốn mở cửa với cả thế giới. Trước hết, là với Singapore", Thủ tướng cho biết.

 

Trao đổi sinh viên ngay trong nước, cần làm ngay!

Ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ông Lý Quang Diệu từng "gợi ý" Việt Nam mở cửa mạnh mẽ hơn. "Mở cửa có thể khiến nhiều công việc mất đi", do đó, "cần đào tạo nhiều sinh viên giỏi trong các ngành nghề công nghệ cao" thay thế cho lượng công việc mất đi này, giúp tăng tính cạnh tranh cho nguồn lao động.

Ông Diệu cho hay; ''Tất nhiên, sẽ có nhiều khó khăn. Công nghệ cũ không còn nữa, trong khi đó công nhân trong ngành công nghệ cũ chiếm 45 - 50% lực lượng lao động. Sẽ cần rất nhiều những thay đổi với đòi hỏi kỹ năng, kiến thức mới, gây khó khăn cho công nhân".

Tuy nhiên, Việt Nam "không có lựa chọn khác để phát triển". Do đó, cần phải "tiến lên mạnh mẽ".

"Suy cho cùng, nếu không làm được, lỗi vẫn ở chúng ta", ông nói. Chúng ta đã không cung cấp kỹ năng cần thiết cho họ. 25 năm trước có thể ta cung cấp kỹ năng nhưng họ rời bỏ trường học sớm và 25 năm sau, họ không có đủ kỹ năng để tiến hành, đáp ứng nhu cầu công việc.

Ông Lý Quang Diệu kết luận, dù bất kỳ công việc gì họ cũng cần được đào tạo đầy đủ, cung cấp các kỹ năng cần thiết để làm việc, dù là bác sĩ, kỹ sư...

Bộ trưởng cao cấp Lý Quang Diệu tin tưởng "Việt Nam sẽ thành công" với lực lượng sinh viên "chăm chỉ, chịu khó", "luôn là đỉnh" tại các trường đại học của Singapore khi họ tham gia chương trình đào tạo theo học bổng hoặc tự chi trả.

Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu chia sẻ: "Nếu được hỏi để cố vấn, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam hãy gửi sinh viên miền Bắc, từ Hà Nội, Hải Phòng... vào miền Nam để họ học cách kiếm tiền, cách kinh doanh. Đây là cách tốt để bắt đầu một tham vọng. Và ngược lại, tìm những tinh hoa ở thành phố Hồ Chí Minh "cấy" vào miền Bắc, vào Hà Nội". Hoạt động trao đổi sinh viên ngay trong nước sẽ giúp giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: Hiện nay, về khách quan, VN chịu sức ép đổi mới rất lớn từ thế hệ trẻ.

 

Dân số Việt Nam là 85 triệu người, trong đó 71% ở độ tuổi dưới 40, 60% ở độ tuổi dưới 30, dân số rất trẻ.

 

Thế hệ trẻ là thế hệ đang thúc đẩy nhà nước Việt Nam phải đổi mới, phát triển, không chấp nhận sự trì trệ.

 

Số trẻ này là những người đi học hành, được giao lưu sâu rộng ra bên ngoài thế giới. Đó chính là lợi thế của dân số trẻ của Việt Nam.

 
 

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek