Thứ Sáu, 04/10/2024 14:38 CH
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống tham nhũng
Chủ Nhật, 14/01/2007 07:03 SA

Quét sạch tệ tham nhũng là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về chống tham nhũng, lãng phí, là góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

070114-Tham-nhung.jpg

Tham nhũng là nguy cơ lớn nhất đe dọa thành quả cách mạng

Từ ngày mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề chống tham ô, lãng phí như một nhiệm vụ cấp bách để làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước. Bác Hồ coi tham ô, lãng phí là bạn đồng minh của thực dân phong kiến, là kẻ thù của nhân dân, và đấu tranh chống tham ô, lãng phí là đấu tranh “kẻ địch bên trong” - bên trong mỗi người cán bộ, đảng viên, bên trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Bác Hồ viết: “Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người” là “xâm phạm đến lợi ích của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân”.

 

Năm 1952, trong lúc nói chuyện: “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác Hồ giải thích: “Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư - Đục khoét của nhân dân - Ăn bớt của bộ đội - Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: “Ăên cắp của công, khai gian, lậu thuế”, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”.

 

Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ… Bác Hồ nói: “Trong khi chiến sĩ hy sinh xương máu, đồng bào hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp, mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám”. Về phương diện này, tệ tham nhũng đang là đồng minh của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với nước ta hiện nay.

 

Trong những năm gần đây, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành quốc nạn. Những vụ án điển hình đã được dẹp yên. Nhưng gần đây, dư luận lại xôn xao về vụ án PMU18, Bùi Tiến Dũng (cán bộ trong ngành giao thông vận tải) chơi cá độ với số tiền lên tới hàng triệu USD; dùng tiền của Nhà nước mua nhà, mua xe, biếu xén cán bộ và quan chức cấp cao nhằm lấp liếm hành vi vi phạm pháp luật của mình. Sự việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Hay vụ tiêu cực trong ngành dầu khí Việt Nam tại cảng Thị Vải, với sự tham gia của cán bộ thanh tra chính phủ Bùi Xuân Bảy, Lương Cao Khải lạm dụng chức vụ và quyền hạn đưa và nhận hối lộ, biến hành vi phạm pháp của cán bộ ngành dầu khí từ có tội thành không có tội.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những biện pháp chống tham ô, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

 

- Muốn chống tham ô, lãng phí và thực hành tiết kiệm, trước hết và quan trọng nhất là chống chủ nghĩa cá nhân, nguồn gốc sinh ra bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Bác Hồ dạy: “Mỗi cán bộ đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng của Đảng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”.

 

- Muốn chống tham ô, lãng phí và thực hành tiết kiệm phải phát huy quyền làm chủ tối đa của nhân dân, phải dựa vào quần chúng thì mới thành công. Bác Hồ nói: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “Giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

 

Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nêu ra cách đây đã hơn 50 năm. Liên hệ với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay, chúng ta thấy những lời dạy của Bác Hồ là hết sức sáng suốt, mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Tình hình tham nhũng của nước ta hiện nay đang diễn biến phức tạp; sức công phá của nó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà cả chính trị, xã hội và là nguy cơ lớn nhất đe dọa mọi thành quả cách mạng của chúng ta.

 

Để quán triệt và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta cần phải sử dụng những biện pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách; các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ. Trong đấu tranh chống tham nhũng, cán bộ lãnh đạo quản lý có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Họ vừa là hạt nhân, vừa đi đầu trong cuộc đấu tranh này; tự mình nêu gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Cần, kiệm, liêm, chính…”; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng. Quét sạch tệ tham nhũng là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về chống tham nhũng, lãng phí, là góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek