Để xây dựng lực lượng quốc phòng cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và động viên toàn dân tham gia; cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để thật sự xứng đáng là vai trò nòng cốt cho nền QPTD.
Ngày nay, tình hình thế giới, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, với những xu thế lớn, những nhân tố và diễn biến nhanh chóng, phức tạp theo nhận định của Đại hội X của Đảng ta, đang và sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến tình hình nước ta, tạo ra những thời cơ thuận lợi cho nhân dân ta đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội với tốc độ nhanh hơn, đồng thời cũng làm gay gắt, phức tạp thêm những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với nước ta.
Lực lượng quốc phòng là sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực có thể huy động để phòng thủ bảo vệ Tổ quốc – Ảnh: TRẦN QUỲ
Trong tình hình mới, để thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy về quốc phòng nhận thức đầy đủ hơn mối quan hệ giữa chiến tranh và hoà bình, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh của đất nước. Do vậy xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh là điều kiện cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X). Để thực hiện mục tiêu xây dựng nền QPTD vững mạnh trong tình hình mới, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược, trong đó có những giải pháp chủ yếu sau: Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng nền QPTD. Về Đảng, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh hệ thống cơ cấu tổ chức Đảng lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng cho thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương. Cụ thể hoá các nội dung cần lãnh đạo về quốc phòng và bổ sung thêm về cơ chế hoạt động của từng cấp, ngành, địa phương, đặc biệt chú trọng khi xử lý các tình huống phức tạp. Về Nhà nước, điều chỉnh cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về quốc phòng của bộ máy từ cấp Trung ương đến cơ sở. Xác định cụ thể cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, cán bộ chuyên trách về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành. Xây dựng và ban hành quy chế thực hiện nhiệm vụ quốc phòng cho cán bộ cơ quan ban ngành các cấp để phát huy cao nhất quyền lực trong quản lý nhà nước về quốc phòng. Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng tiềm lực quốc phòng. Tiềm lực quốc phòng là tổng hợp của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, an ninh, đối ngoại… để hợp thành nền QPTD vững chắc. Do vậy, đi đôi với tăng cường giáo dục, cần có cơ chế, chính sách thích hợp để phát huy ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và toàn dân tham gia xây dựng. Ba là, đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Trên cơ sở thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, các ngành, lĩnh vực cần cụ thể hoá sự kết hợp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch để hình thành thế trận QPTD gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Trong thế trận QPTD chung cả nước, cần tiếp tục nghiên cứu việc tổ chức chiến trường theo yêu cầu mới, là cơ sở để xây dựng căn cứ hậu phương chiến lược, căn cứ hậu cần – kỹ thuật trên từng hướng chiến trường, gắn với đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ quốc gia, phòng thủ quân sự. Bốn là, đẩy mạnh xây dựng lực lượng quốc phòng, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo yêu cầu mới. Lực lượng quốc phòng là sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực có thể huy động để phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của lực lượng quốc phòng phụ thuộc vào chất lượng xây dựng chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, khoa học – công nghệ… là yếu tố quyết định tạo thành nền QPTD vững chắc. Để xây dựng lực lượng quốc phòng cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và động viên toàn dân tham gia; cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để thật sự xứng đáng là vai trò nòng cốt cho nền QPTD.
Kỷ niệm 17 năm ngày Hội QPTD, chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng nền QPTD vững mạnh là sự nghiệp trọng đại của toàn Đảng, toàn dân. Truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước, sức mạnh của nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và những thành tựu đã đạt được về quốc phòng những năm qua mãi mãi là động lực tinh thần to lớn, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp xây dựng nền QPTD phát triển ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
TÔ PHƯƠNG