Là một xã thuần nông, Đức Bình Đông được tách ra từ xã Đức Bình (huyện Sông Hinh) vào năm 1992. Với sự đoàn kết, nhất trí, sự đồng sức đồng lòng của cán bộ và nhân dân, Đức Bình Đông đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
Trạm bơm Bến Trâu vừa hoàn thành đưa vào hoạt động - Ảnh: N.CƯỜNG
Đức Bình Đông có diện tích tự nhiên 3.300ha, với 674 hộ, 2.600 người. Toàn xã có bốn thôn gồm: Chí Thán, Đức Hòa, Đức Hiệp và Tân Lập. Ngày mới thành lập, Đức Bình Đông gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như cơ sở vật chất thiếu thốn; kết cấu hạ tầng tạm bợ, dịch vụ thương mại nghèo nàn, lạc hậu; sản xuất mang tính nhỏ lẻ, manh mún… Thời ấy, cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ có trạm bơm Chí Thán, nhưng không phát huy hiệu quả do thiết bị lạc hậu và công suất quá nhỏ. Phương tiện vận tải để vận chuyển nông sản, hàng hóa chủ yếu bằng cộ bò, xuồng nan, xe đạp và gánh gùi, trong khi đó giao thông đi lại khó khăn. Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, toàn xã chỉ có hai cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công với công suất nhỏ. Ngoài ra, muốn đi chợ người dân trong xã phải dùng đò, xuồng qua Củng Sơn, huyện Sơn Hòa hoặc dùng xe đạp để lên thị trấn Hai Riêng vì xã chưa có chợ. Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng khó khăn không kém. Toàn xã chỉ có một trường tiểu học gồm bốn điểm trường với 13 phòng học. Trong đó có 3 phòng học cấp 4, còn lại là phòng học tạm bợ. Học sinh bậc THCS, THPT phải qua Đức Bình Tây hoặc vượt sông qua thị trấn Củng Sơn để học. Về lĩnh vực y tế cũng chẳng có gì sáng sủa hơn khi toàn xã chỉ có 1 trạm y tế với 3 phòng, trang thiết bị hầu như không có gì…
Tuy nhiên, với tinh thần cần cù, sáng tạo lại được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, Đảng ủy và chính quyền xã Đức Bình Đông chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển các loại cây trồng như sắn, bắp, đậu phộng, mè để lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời chú trọng phát triển cây lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Cùng với phát triển các loại cây trồng, xã xác định việc chăn nuôi bò đàn là hướng mở để bà con nông dân có điều kiện thoát nghèo. Nhờ vậy, bình quân mỗi hộ có từ 1-5 con bò và có nhiều hộ hình thành trang trại bò. Việc trồng rừng sản xuất cũng được chú trọng. Nhiều hộ gia đình có diện tích rừng trồng hàng chục hécta, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế HTX cũng có bước phát triển mới, là nơi xã viên tự nguyện đóng góp cổ phần, chia sẽ kinh nghiệm làm ăn.
Trong quá trình hình thành và phát triển, từ 4 thôn ban đầu, đến nay xã Đức Bình Đông đã có 6 thôn, buôn với 7 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành đoàn thể và sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân nên kinh tế, xã hội ở Đức Bình Đông đã có sự khởi sắc đáng phấn khởi.
Lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và chú trọng việc đầu tư thâm canh tăng năng suất. Diện tích sản xuất lúa nước không ngừng được mở rộng và được đầu tư thích đáng. Cây mía, sắn cũng phát triển mạnh cả về diện tích lẫn năng suất, góp phần giúp người dân thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê rất hiệu quả. Cá biệt có 5 hộ có thu nhập từ 700 triệu đồng trở lên/năm.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự khởi sắc. Đàn bò vàng địa phương dần được thay thế bằng bò lai sin có chất lượng cao. Chăn nuôi heo và các loại gia cầm khác tiếp tục phát huy hiệu quả và đa dạng mô hình. Mô hình vườn - ao - chuồng đang tiếp tục được phát triển. Việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng rừng sản xuất được đẩy mạnh. Hiện trên địa bàn xã đã có 700ha rừng trồng đang phát triển tốt và hứa hẹn mang lại hiệu quả như mong đợi.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và từng bước được kiên cố. Ngoài quốc lộ 29 đi qua xã gần 3km, hệ thống đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đã làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn của xã. Hệ thống giao thông nội đồng từng bước được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân.
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2000 hệ thống điện lưới được phủ khắp 6 thôn, buôn với 9 trạm biến áp và 6,3km đường dây trung áp cung cấp điện cho gần 100% số hộ trên địa bàn xã. Thực hiện chương trình 134, 135, năm 2007 Nhà nước đã đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ cho 360 hộ dân ở buôn Thung và thôn Bình Giang và hiện nay công trình đang phát huy tốt hiệu quả. Các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất được đầu tư khá đồng bộ và từng bước kiên cố hóa. Hiện trạm bơm Chí Thán hoạt động với 3 tổ máy tưới ăn chắc cho 100ha lúa 2 vụ; trạm bơm Bến Trâu vừa hoàn thành đưa vào khai thác hứa hẹn mở ra khả năng đầu tư thâm canh cho nông dân trong vùng.
Sự nghiệp giáo dục từng bước được cải thiện. Từ một trường với số lượng giáo viên ít ỏi thì đến nay trên địa bàn xã đã có 5 trường với gần 1.100 học sinh. Chương trình y tế quốc gia, phòng chống dịch bệnh ở người tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Tỉ lệ trẻ em tiêm phòng đủ 7 loại vacxin đạt 95%, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu.
Những đổi thay lớn lao trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, sự điều hành hiệu quả của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ngành các cấp và sự đồng lòng nhất trí của nhân dân trong xã. Với thế và lực mới, tin rằng một ngày không xa Đức Bình Đông sẽ thành công trong việc xây dựng nông thôn mới.
NGỌC CƯỜNG