Thứ Năm, 28/11/2024 15:00 CH
Trồng cây và trồng người theo lời dạy của Bác Hồ
Chủ Nhật, 01/01/2012 09:00 SA

Thời đại hiện nay là thời đại phát triển cao của khoa học kỹ thuật, thời đại có những phát minh mới về điện tử, nguyên tử, thời đại mà con người đã vượt ra ngoài hành tinh chúng ta, thám hiểm tới Sao Kim, Sao Hỏa… nhưng cũng là lúc mà sự hủy diệt con người, hủy diệt môi sinh có thể đạt tới mức độ vô cùng dã man và khủng khiếp. Từ hai quả bom nguyên tử ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-da-ki (Nhật Bản) năm 1945 đến sự hủy diệt môi sinh, hủy diệt màu xanh của đất, bằng chất độc màu da cam của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam những năm 1965-1972 và đến cuộc đe dọa chiến tranh hạt nhân hiện nay, mọi người có thiện chí trên trái đất đều thấy rõ, tương lai hạnh phúc của nhân loại không phải do khoa học kỹ thuật quyết định mà về cơ bản vẫn là do con người quyết định.

    

nha-tho120101.jpg

Cán bộ và nhân dân Phú Yên viếng Bác Hồ tại Nhà thờ Bác Hồ ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: N.TRƯỜNG

                                                      

Khoa học kỹ thuật chính là do con người tìm tòi sáng tạo ra và cũng do con người sử dụng. Nhưng nếu khoa học kỹ thuật nằm trong tay những người nhân đạo, yêu hòa bình, trọng chính nghĩa thì sẽ đem lại hạnh phúc cho con người và ngược lại nằm trong tay những kẻ hiếu chiến, hiếu sát thì nó có thể đưa lại tai họa khủng khiếp. Một cuộc chiến tranh “bấm nút hạt nhân”, có thể tiêu diệt 1/3 đến 1/2 nhân loại trong mấy phút. Cho nên người ta đã coi khoa học xây dựng con người trong khoa học xã hội và coi chính bản thân việc xây dựng con người là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc quyết định vận mệnh nhân loại hiện tại và tương lai.

 

Năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng khi chỉ thị cho chúng tôi nghiên cứu lịch sử để phục vụ cách mạng đã nói, hiện nay khoa học tự nhiên và kỹ thuật rất cần thiết cho việc xây dựng đất nước. Nhưng cái quan trọng hơn hết, cao hơn hết là khoa học xã hội, khoa học xây dựng con người. Trước đây tôi mới nhấn mạnh với các đồng chí một vế “Tất cả vì con người” nay tôi xin nhấn mạnh thêm là: “Tất cả do con người”.

 

Nhắc lại điều này chúng tôi liên tưởng tới phong trào giáo dục có tính truyền thống của dân tộc Việt Nam ta mà Bác Hồ kính yêu đã kế thừa và phát huy. Bác thường nói (cũng như Mác - Lênin đã nói): “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại và khi phát động “Tết trồng cây”, Bác nhắc nhở:

 

“Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

 

Truyền thống của dân tộc ta coi cách trồng người cũng tương tự như cách trồng cây, luôn luôn phải “uốn gốc, tỉa cành” sao cho “cây non mọc thẳng” và luôn luôn lo lắng là nếu “Bé không vịn” thì “Cả sẽ gẫy cành”. Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi là: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” đã được biểu thị tập trung ở Huy hiệu “Măng non mọc thẳng” của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Sự gắn bó giữa việc trồng cây với trồng người như vậy không phải là một sự ngẫu nhiên, mà xét về lịch sử là có quan hệ hữu cơ với nhau. Nền văn minh nhân loại phát sinh và phát triển cũng có sự gắn liền việc trồng cây với việc trồng người. Con người chỉ sinh sôi nảy nở mạnh mẽ từ khi phân công lao động xã hội phát triển, có phân công giữa chăn nuôi và trồng trọt, từ khi các nền văn minh nông nghiệp ra đời người ta bắt đầu từ việc trồng trọt hoa màu (rau đậu), tiến lên trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ. Tất nhiên lúc đó loài người chưa thiếu cây, nhưng tại cần nhân lên những cây có ích cần cho cuộc sống đã có trong thiên nhiên. Rồi cũng từ cây và con sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều mà nhân loại ngày càng phát triển đông đúc, văn minh và tiến bộ. Màu xanh của đất tăng lên cùng với vẻ đẹp của người. Nhà ở cao sang, ăn ngon, mặc đẹp… trước hết càng phải nhờ ở màu xanh của đất. Chăn nuôi muốn phát triển cũng phải nhờ tới trồng trọt, và trồng trọt tăng lên lại dựa vào chăn nuôi…

 

Nhưng rồi cuộc sống cứ tiến lên, loài người cứ sinh sôi, nảy nở, xã hội có giai cấp phát triển, từ nô lệ, qua phong kiến rồi lên tư bản chủ nghĩa. Tư hữu phát triển và con người quần thể cũng tiến lên từ khi tộc, bộ tộc, rồi đến dân tộc. Có những con người tự nhận mình là “thượng đẳng”, văn minh đã đi cướp bóc những con người mà chúng coi là “hạ đẳng”. Sự cướp bóc đi đôi với sự hủy diệt môi sinh, phá hoại màu xanh của đất, cướp đi cuộc sống yên lành. Một trong những đỉnh cao của tội ác là sự hủy diệt môi sinh, hủy diệt màu xanh của đất bằng chất độc hóa học, như đế quốc Mỹ đã gây ra ở miền Nam Việt Nam mà chúng ta đã nói. Và cũng chính lúc đó Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã phát động Tết trồng cây, nêu cao ý nghĩa chính trị của nhiệm vụ lịch sử này. Người lên án đế quốc Mỹ và tay sai rải chất độc màu da cam hủy diệt môi sinh ở miền Nam đồng thời phát động Tết trồng cây, coi đây như một nhiệm vụ chính trị, một hành động văn minh chống lại bạo tàn.

 

Quán triệt tư tưởng này chúng ta sẽ có quyết tâm đi vào bảo vệ môi trường, tích cực sửa chữa một quan điểm sai lầm về “rừng vàng biển bạc”, coi rừng như vô tận, phá đi cũng không hết, hoặc thanh toán đi sự dốt nát, không thấy sự hủy hoại môi sinh cũng tức là làm khô cằn cuộc sống, hạn chế sự phát triển của con người. Nạn phá rừng trong những năm qua đã diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Nhà nước ta đã chỉ đạo toàn dân ra sức khắc phục tệ nạn này. Việc giao đất giao rừng cho hợp tác xã, việc phát động một phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, định canh định cư… đang được đẩy mạnh và có tác dụng tích cực. Trong các biện pháp đó thì biện pháp “trồng cây gắn chặt với trồng người” đang có ý nghĩa đặc biệt. Chúng ta gắn việc trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc đem lại màu xanh cho đất với việc tạo nên những mầm non cho tương lai, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa cũng như người uốn gốc tỉa cành, chăm lo cho con em khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần như măng non mọc thẳng. Phải chăng chúng ta nên gắn phong cách tư tưởng của người trồng cây, chăm sóc bảo vệ cây, với phong cách và tư tưởng của người “trồng người” và bảo vệ con người nhằm đạt hiệu quả tối đa cho cả hai nhiệm vụ. Phải chăng những con người yêu quý mầm non, muốn cho cây non mọc thẳng, cành lá xum xuê cũng chính là những người biết chăm sóc những mầm non cho thế hệ tương lai, bảo vệ hòa bình và hạnh phúc chung cho nhân loại.

 

Về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với môi sinh, làm sao cho mọi người chúng ta đều có được tư tưởng, tâm hồn như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác trong việc đối xử với thiên nhiên. Trong tác phẩm nổi tiếng: “Biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ăng-ghen đã viết: “Các sự kiện lúc nào cũng nhắc nhở chúng ta là không được ngự trị trên thiên nhiên như một kẻ xâm lược ngự trị trên một dân tộc ngoại bang, như một kẻ ở ngoài thiên nhiên mà nhắc nhở chúng ta rằng, ta sở dĩ thuộc về thiên nhiên với máu thịt, óc ta, rằng ta ở trong lòng nó và toàn bộ sự thống ngự của ta trên nó là do ta có lợi điểm hơn mọi sinh linh khác đã biết được các quy luật của nó và biết việc sử dụng nó một cách đúng đắn”. Và như vậy đối với cây trồng chúng ta cũng nâng niu chính nó, như nâng niu con em chúng ta. Có tư tưởng tâm hồn như vậy mới chăm sóc cây trồng và cả mầm non của thế hệ mai sau là con em chúng ta được tốt, mới gắn bó thiên nhiên với con người một cách hài hòa và nhân đạo như Bác Hồ của chúng ta hằng mong muốn.

 

Trong “Hệ tư tưởng Đức”, Mác đã nói: Con người ta sinh ra trước hết cần phải có ăn, mặc, ở, học hành, đi lại… đã rồi mới có điều kiện sáng tạo ra cái gì khác. Tất cả các điều kiện phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại của con người đều có phần lấy từ màu xanh của đất, từ cây trồng và vật nuôi. Ngày nay chúng ta đang còn thiếu thốn nhiều, từ ăn, mặc, ở đến phương tiện đi lại, học hành… do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân cơ bản là dân số tăng nhanh mà cây trồng không đủ. Ở đây việc trồng người đi đôi với việc trồng cây vẫn mang ý nghĩa thời sự, chính trị, kinh tế nóng hổi. Để nuôi được nhiều người phải có nhiều cây, để cho có nhiều cây xanh tốt thì nhiều người phải tham gia trồng. Nếu trồng cây và chăm sóc với tất cả tinh thần trách nhiệm, với thái độ khoa học và với tình cảm cao đẹp, thì kết quả chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Làm như vậy chúng ta sẽ thực hiện được điều mà Bác Hồ hằng mong muốn là:

 

“Vì lợi ích mười năm trồng cây

Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

 

Giáo sư VĂN TẠO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek