Thứ Sáu, 11/10/2024 13:16 CH
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:
Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2012
Thứ Năm, 17/11/2011 17:00 CH

Chương trình xây dựng pháp luật năm 2012 đã được Quốc hội thảo luận trong phiên họp sáng 17/11. Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhấn mạnh một số nguyên tắc ưu tiên, các điều kiện đảm bảo hoàn thành chương trình với chất lượng cao.

 

QH1-111117.jpg

Đại biểu Chu Sơn Hà phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 17/11 - Ảnh: SGGPO

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù Quốc hội khóa XII đã quyết định được rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước góp phần thiết lập khung pháp luật quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng những mặt hạn chế thiếu xót trong thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XII chưa đạt được những kết quả như mục tiêu chương trình đề ra. Mới chỉ có 67/83 dự án Luật được thông qua, 14 Pháp lệnh, 7 Nghị quyết và vẫn còn 53 Nghị định chưa được Chính phủ ban hành.

 

Đa số đội ngũ cán bộ soạn thảo cùng một thời gian phải tham gia nhiều ban soạn thảo dự án Luật khác nhau đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo dự án Luật. Tình trạng nhiều Bộ, ngành “mắc bệnh” gửi dự án Luật đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội quá chậm. Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết thực hiện bảo đảm về thời gian nghiên cứu tài liệu đúng quy định để Nghị quyết Quốc hội được thực thi trên thực tế. Đại biểu Chu Sơn Hà cũng cho rằng, việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm không nghiêm “đưa vào, rút ra” các dự án Luật dễ dàng, trong khi nhiều Luật mang tính bức xúc chưa được quan tâm đầy đủ.

 

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thẳng thắn đề nghị phải chấm dứt tình trạng “hữu danh vô thực” - tức là có tên, nhưng dành rất ít thời gian, công sức cho công tác xây dựng pháp luật - của một số thành viên Ban soạn thảo. Ông Chu Sơn Hà và nhiều đại biểu khác còn đề nghị kiên quyết chấm dứt tình trạng gửi dự án luật chậm so với thời gian quy định. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) góp ý: “Các dự án cho ý kiến lần đầu mà đến tận ngày khai mạc kỳ họp các đại biểu Quốc hội mới nhận được. Trong khi đó có nhiều luật có phạm vi tác động xã hội rộng rãi, đại biểu Quốc hội muốn tham vấn ý kiến địa phương, ý kiến chuyên gia trước khi nêu ra quan điểm của mình tại kỳ họp, nhưng không thực hiện được vì không có thời gian”.

 

Đại biểu Chu Sơn Hà cũng đề nghị báo cáo rõ trước Quốc hội kết quả bao nhiêu Luật, Pháp lệnh được Chính phủ hoàn tất công tác hướng dẫn; chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân tồn tại và giải pháp thời gian tới. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo kiểm điểm trách nhiệm của những cơ quan thực hiện không nghiêm Luật, Nghị quyết Quốc hội trong thời gian qua; có giải pháp cải tiến công tác soạn thảo thẩm định và trình Quốc hội, không trình Quốc hội dự án Luật không đảm bảo chất lượng, tiến độ…

 

Đóng góp ý về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII,  hầu hết các đại biểu đề nghị phải trên quan điểm xây dựng Luật xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án luật chưa rõ phạm vi đối tượng điều chỉnh, chưa có cơ sở đảm bảo hình thành dự án Luật; Ưu tiên những dự án Luật có công tác chuẩn bị tốt quá trình soạn thảo, bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến.

 

Về các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), cần thống nhất nguyên tắc ưu tiên cho những nhu cầu bức xúc của đông đảo các tầng lớp nhân dân, yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về các lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, có những dự án được đề xuất chỉ vì nhu cầu của chính đại biểu Quốc hội hoặc của một nhóm nhỏ.

 

Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị phát huy mạnh mẽ hơn nữa hình thức tổ chức hội nghị đóng góp xây dựng luật, nhưng không nên giới hạn là “hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách”, mà nên mở rộng tới các đại biểu Quốc hội có kiến thức, chuyên môn sâu và tâm huyết với vấn đề đó.

 

Theo nhận xét của các đại biểu Quốc hội, Chương trình xây dựng pháp luật đề xuất lần này đã cô đọng hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng “vẫn có thể rút gọn hơn nữa”. Đơn cử, để đảm bảo tính ổn định, ít phải sửa đổi luật có thể gộp một số pháp lệnh về tư pháp vào các luật. Tương tự, Luật Hiến máu, tế bào gốc có thể gộp với Luật Hiến mô, tạng; Luật Đô thị và Luật Thủ đô cũng có thể gộp vào làm một. Đại biểu Đỗ Văn Đương còn đề nghị nên xây dựng Luật Từ chức, Luật Nông dân…

 

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TPHCM) đã thực sự làm "nóng" hội trường khi thẳng thắn đề nghị không đưa Luật Lập hội và Luật Biểu tình vào Chương trình xây dựng pháp luật. Theo đại biểu Hoàng Hữu Phước, với trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, việc cho ra đời Luật Biểu tình là chưa cần thiết, thậm chí rất dễ bị một số đối tượng lợi dụng.  “Tập họp đông người ngoài trời thường là hại nhiều hơn lợi, gây tắc đường, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nhiều người dân. Nếu trưng cầu ý kiến, tôi tin rằng đa số công dân sẽ không đồng ý Luật Biểu tình vì tính chất dễ gây tổn thương của nó”, đại biểu Hoàng Hữu Phước khẳng định. Quan điểm của đại biểu Hoàng Hữu Phước đã tạo nên những ý kiến tranh luận khá sôi nổi.

 

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị ưu tiên dự án Luật, Pháp lệnh về quyền con người, hoạch định các cơ chế chính sách phát triển xã hội; Ưu tiên cụ thể hóa những vấn đề về quan điểm chỉ đạo và đường lối đổi mới của Đảng thể hiện qua Nghị quyết của Đảng và kế thừa những chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XII đã được chuẩn bị kỹ; Nâng cấp các pháp lệnh sửa đổi bổ sung các luật được trải nghiệm và khẳng định trong thực tiễn.

 

Nhóm luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, quản lý mua sắm công, đặc biệt Luật Thống kê là nền tảng cơ sở hoạch định chiến lược xây dựng quy hoạch và xác định các cơ chế chính sách cũng như chủ trương đường lối chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Nhóm liên quan đến thể chế chính trị: Luật Giám sát Quốc hội và HĐND, đưa Luật này lên chương trình chính thức. Đề nghị hợp nhất Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sửa đổi, từ chương trình chuẩn bị sang chương trình chính thức để kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và HDDND các cấp ở nhiệm kỳ tới có Luật thống nhất.

 

Đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) đề nghị chuyển Luật Công dân, Luật Bầu cử HĐND, Luật Giám sát HĐND và Quốc hội từ chương trình chuẩn bị sang chương trình chính thức.

 

Đại biểu Trần Thị Hoa Sim (đoàn Lạng Sơn) cho rằng ý chí khi làm Luật của cơ quan soạn thảo không cao. Bên cạnh đó, quy trình thẩm tra chưa tốt, cơ quan thẩm tra nên tỏ rõ thái độ khẳng định theo hướng nào…

 

Mặc dù các Luật: Đất đai, Ngân sách Nhà nước, Hợp tác xã sửa đổi, Phòng, chống khủng bố… tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã quyết định đưa vào xem xét thông qua năm 2012, nhưng nhiều đại biểu vẫn đề cập đến tại phiên thảo luận này cho thấy tính bức xúc và cần thiết đang đòi hỏi trong thực tiễn cuộc sống.

 

BTV (tổng hợp từ VOV, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek