Thứ Bảy, 12/10/2024 13:21 CH
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:
Thống nhất quản lý Nhà nước về công tác cơ yếu
Thứ Tư, 02/11/2011 07:31 SA

Ngày 1/11, buổi sáng, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng toàn quốc; buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Cơ yếu.

 

trong-rung111102.jpg

Nhiều diện tích đất lâm nghiệp kém hiệu quả được quy hoạch trồng cây cao su tại Phú Yên - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Thống nhất quản lý Nhà nước về công tác cơ yếu

Chiều 1/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, thảo luận những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cơ yếu.

Đa số đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật chỉ điều chỉnh hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia với đặc trưng là sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước. Vì vậy, cần xác định Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia có chức năng quản lý chuyên ngành về cơ yếu đối với các hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngoại giao, tổ chức cơ yếu trong cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Một số đại biểu bày tỏ sự phân vân về chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu và cho rằng tiêu chuẩn lựa chọn để tuyển vào ngành cao, kỹ càng, trong khi đời sống của đa phần cán bộ làm công tác cơ yếu còn nhiều khó khăn. Công tác cơ yếu là cơ mật đặc biệt, vì vậy những cán bộ làm cơ yếu cũng cần phải được quan tâm đặc biệt. Đại biểu Đinh Xuân Thảo và nhiều đại biểu đề nghị cần quy định chế độ, chính sách đặc thù đối với người làm công tác cơ yếu, bởi đây là nghề độc hại và cần có sự phân biệt cụ thể về chế độ, chính sách đối với từng đối tượng trong tổ chức cơ yếu theo tính chất, nhiệm vụ được giao.

Một số đại biểu đề nghị nên quy định những người sau khi không làm công tác cơ yếu, trong năm năm tiếp theo không được làm công việc liên quan đến cơ yếu cho tổ chức trong và ngoài nước để bảo đảm tính bí mật. Ngoài ra, các đại biểu còn góp nhiều ý kiến liên quan đến tiêu chí tuyển chọn người làm công tác cơ yếu; quyền, nghĩa vụ và chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu; những điều kiện bảo đảm cho hoạt động cơ yếu; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động cơ yếu.

Nhiều ý kiến băn khoăn đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra đối với các vấn đề liên quan tới việc trồng và bảo vệ rừng, quy hoạch và sử dụng đất hiện nay.

* Trước đó, buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại tổ về quy hoạch sử dụng đất và dự án 5 triệu ha rừng. Đánh giá về quy hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều đại biểu nhìn nhận: Cách lập Quy hoạch sử dụng đất còn nhiều lãng phí và bất cập. Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, khi lập quy hoạch sử dụng đất ,thông tin quy hoạch kỳ trước chưa đưa vào quy hoạch kỳ này. Việc định hướng cho phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, chất lượng dự báo chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến vừa thiếu vừa thừa, phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất. Hạn chế về chất lượng, trình độ của đội ngũ làm quy hoạch sử dụng đất, chưa định rõ quy định pháp lý chủ thể trong quản lý cũng như phân bổ nhu cầu sử dụng đất, dẫn đến quy hoạch treo chưa xử lý còn phổ biến, ảnh hưởng đến người sử dụng đất.

Công tác quy hoạch ngay từ đầu với các địa phương, tính nối kết giữa các vùng miền chưa thực tế, chưa bài bản khoa học, chưa phù hợp với điều kiện của địa phương; Thiếu sự vào cuộc cùng liên kết để xây dựng quy hoạch, thiếu hướng dẫn các Bộ ngành. Việc sử dụng đất có nơi thừa nơi thiếu; quy hoạch đất cho công nghiệp nhưng đất lấy chủ yếu là đất nông nghiệp, trong khi nông dân không có đất sản xuất.

Từ những bất cập trên, nhiều đại biểu đề xuất cần đánh giá lại tính khả thi trong kỳ quy hoạch đất 2001-2010 để rút kinh nghiệm và định hướng cho quy hoạch đất kỳ này; hoàn thiện chủ trương chính sách liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng gắn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; không bố trí quy hoạch mới cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, du lịch khi mà diện tích lấp đầy chưa quá 60%; không bố trí đất nông nghiệp liền kế khu dân cư, khu đô thị hiện hữu vì nơi đây mặc dù sản xuất lúa nước từ 1-2 vụ nhưng là nơi tiếp nhận nguồn nước thoát mưa, triều cường. Giữ lại đất cát ven biển ở những khu xung yếu hoặc đất rừng phòng hộ ven biển để phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường.

Về quy hoạch 3,81 triệu ha đất trồng lúa năm 2020, về cơ bản các đại biểu nhất trí với quy hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, không đưa đất của công nghiệp vào quy hoạch sản xuất của đất nông nghiệp, vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Chính phủ cũng cần phải quan tâm đầu tư cho các tỉnh có vùng lúa trọng điểm, đặc biệt là đầu tư về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi, hỗ trợ cho nông dân sản xuất lúa trong vùng quy hoạch.

Chính phủ cần phải xây dựng chính sách hỗ trợ để đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa trong vùng quy hoạch, có vậy người dân mới không phá lúa để sử dụng đất vào mục đích khác.

Phát biểu ý kiến về việc thực hiện dự án 5 triệu ha rừng, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng có thể kết thúc dự án này để chuyển sang giai đoạn mới theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, cần nhìn nhận để khắc phục những hạn chế của dự án. Điều này sẽ giúp việc thực hiện các kế hoạch về sau tốt hơn. Nhiều đại biểu cho rằng quy hoạch đất lâm nghiệp và thực hiện quy hoạch 3 loại rừng (trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và cây ăn quả) còn nhiều yếu kém, chất lượng thấp. Cơ cấu 3 loại rừng chưa hợp lý, tỷ lệ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng lớn gây khó khăn cho phát triển rừng sản xuất. Có đại biểu đề nghị báo cáo Chính phủ cần nêu rõ việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn bất cập gây bức xúc trong dư luận.

Một số ý kiến băn khoăn nếu giảm nhiều diện tích rừng phòng hộ và tăng diện tích rừng sản xuất nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới phòng chống thiên tai. Tuy nhiên nếu hạn chế rừng sản xuất sẽ ảnh hưởng tới hoạt động chế biến lâm sản.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị tăng cường năng lực hoạt động cho lực lượng kiểm lâm để quản lý rừng tốt hơn và cũng là để phòng ngừa “lâm tặc” liều lĩnh tấn công lực lượng kiểm lâm như hiện nay.

N.TRƯỜNG

(tổng hợp TTXVN, chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek