Chủ Nhật, 13/10/2024 09:23 SA
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lưu trữ và Luật Đo lường
Thứ Sáu, 21/10/2011 17:00 CH

Sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Lưu trữ và Luật Đo lường. Đây là 2 dự luật được phát triển từ Pháp lệnh Lưu trữ và Pháp lệnh Đo lường.

qh-111021.jpg
Ảnh: chinhphu

Dự án Luật Lưu trữ gồm 7 chương, 45 điều.

Các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Lưu trữ.

Theo dự thảo Luật Lưu trữ, sẽ bỏ cơ quan lưu trữ cấp huyện mà tập trung giữ cơ quan lưu trữ cấp tỉnh nhằm rút gọn bộ máy. Một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc việc này bởi tài liệu ở cấp huyện rất phong phú và cung cấp thông tin thuận tiện cho nhu cầu của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc tổ chức lưu trữ ở 2 cấp như trong dự thảo Luật là phù hợp, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa hóa kho tàng, trang thiết bị. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) và một số đại biểu khác lại cho rằng lưu trữ cấp huyện giúp ích cho công tác nghiên cứu lịch sử nên không cần thiết bỏ lưu trữ cấp này.

Theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), Luật cần quy định trách nhiệm quản lý theo thẩm quyền của chính quyền các cấp về lưu trữ. Theo hướng này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng những tài liệu lưu trữ liên quan đến đất đai, thuế khóa, quy hoạch thì nên để cho cơ quan hành chính cấp huyện lưu giữ, còn những thông tin về lịch sử địa phương thì nên để cho lưu trữ cấp tỉnh quản lý để đảm bảo tính thống nhất.

Từ đó, ông Dương Trung Quốc cho rằng, có thể bỏ cơ quan lưu trữ cấp huyện mà chỉ cần có một bộ phận làm công tác lưu trữ. Cũng theo ông, Luật cần đề cập tới quyền khai thác lưu trữ của người nước ngoài và cơ chế trao đổi tài liệu lữu trữ với quốc tế vì nhiều nước trên thế giới đang có những tài liệu quý về Việt Nam…

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị Luật cần điều chỉnh một số vấn đề như sự thống nhất giữa phông lưu trữ Nhà nước và phông lưu trữ của Đảng, quy định về lưu trữ điện tử.

Về việc sáp nhập Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam vào một phông lưu trữ quốc gia, Đại biểu Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) đồng tình việc thống nhất hai phông lưu trữ tạo thuận lợi quản lý. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hoạt động lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ có những tài liệu không thể công khai, vì vậy  cần có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính bảo mật đối với Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, còn một số vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn như về Quy định tại khoản 5, điều 8 về nghiêm cấm các hành vi mang tài liệu nghiêm cấm ra nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan của nhà nước có thẩm quyền là chưa chặt chẽ nên rất khó kiểm soát. Vì hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, một cá nhân không cần mang tài liệu ra nước ngoài mà có thể chuyển thông tin qua mạng điện tử. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về quy định này nhằm chấn chỉnh thông tin mật của đất nước bị rò rỉ, phát tán.

Về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu trữ điện tử là một hình thức lưu trữ còn mới. Để tạo cơ sở pháp lý định hướng cho hình thức lưu trữ này phát triển, dự thảo Luật đã quy định có tính nguyên tắc về lưu trữ điện tử và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; sau một thời gian thực hiện và tổng kết thực tiễn có quy định cụ thể hơn về vấn đề này ở trong Luật.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong một số trường hợp đặc biệt có thể chưa công khai tài liệu lưu trữ điện tử. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch của Luật đề nghị quy định rõ hơn các điều kiện quy tắc cơ bản của các trường hợp đặc biệt.

Về xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ, các đại biểu đồng ý với việc khuyến khích xã hội hóa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đưa vào dự thảo Luật, theo hướng đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào dự thảo Luật 2 điều quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ  (Điều 35) và Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (Điều 37); đồng thời kết hợp với quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Điều 36) xây dựng thành một chương riêng.

Đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ, Đại biểu Trần Hồng Thắm đề nghị bổ sung thêm tổ chức hoạt động lưu trữ khi hoạt động phải theo Luật Doanh nghiệp… Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xây dựng Luật này theo hướng chi tiết để Luật đi luôn vào cuộc sống.

Thảo luận về dự thảo Luật Đo lường, các ý kiến phát biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đo lường để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động đo lường, góp phần bảo đảm công bằng xã hội trong các giao dịch kinh tế, dân sự.

Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, đa số ý kiến đề nghị Luật cần quy định rõ hơn những khâu, lĩnh vực cần xã hội hóa như kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo…

Tuy nhiên, Nhà nước phải bảo đảm thực hiện với lĩnh vực cơ sở hạ tầng như xây dựng các phòng thí nghiệm về chuẩn đo lường. Đồng thời, cần có quy hoạch cụ thể theo tỉnh, thành phố, theo vùng về tổ chức kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo (giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh quy hoạch tổ chức kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo lường), tránh trường hợp thành lập tràn lan.

H.K (tổng hợp từ VOV, chinhphu)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek