Chủ Nhật, 13/10/2024 09:26 SA
Khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII
Thứ Năm, 20/10/2011 16:55 CH

* Thủ tướng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 2011

 

Hôm nay (20/10), Quốc hội Khóa XIII bắt đầu họp kỳ thứ 2, làm việc trong hơn 27 ngày nhằm xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về lập pháp, phát triển kinh tế-xã hội… Kỳ họp có sự tham dự của 500 đại biểu, diễn ra từ ngày 20/10-26/11/2011.

 

QH-111020.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp - Ảnh Chinhphu.vn

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.

 

Tuy nhiên tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục xuất hiện thách thức mới… Từ bối cảnh trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chúng ta phải có quyết tâm rất cao, các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực đạt kết quả tốt hơn trong cuối năm 2011, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2012 và những năm tiếp theo.

 

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nhóm nội dung quan trọng.

 

Quốc hội sẽ xem xét một số báo cáo của Chính phủ  về kinh tế - xã hội, ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

 

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất một số nội dung về đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng làm việc của Quốc hội báo cáo Quốc hội để thực hiện ngay trong Kỳ họp này.

 

thu-tuong-111020.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: TTXVN

Sau bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011- 2015; Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012.

 

Trên cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo các tháng cuối năm, Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 trên một số nội dung chủ yếu như chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực; sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

 

Nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên từ tháng 5 năm 2011 mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, 9 tháng tăng 16,63%, ước cả năm tăng khoảng 18%.

 

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành; miễn, giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Kết quả là, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%), thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ.

 

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; ước cả năm, tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%. Vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm tỷ trọng vốn vay của khu vực phi sản xuất; lãi suất tín dụng đã có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát có kết quả bước đầu. Nợ công được giữ ở mức an toàn. An ninh năng lượng và an ninh lương thực được bảo đảm.

Về các mục tiêu  phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nêu rõ năm 2012 phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5-7%.

 

Chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 khoảng 6-6,5%. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%. Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%. Phấn đấu đạt 7%.

 

Năm 2012, bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60-65% GDP.

 

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp này.

 

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội nhận được 1.026 ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước. Các cử tri cho rằng, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự điều hành của Chính phủ, kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

 

Các cử tri cũng kiến nghị tập trung vào một số vấn đề gồm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, giáo dục và đào tạo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

 

Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra các Báo cáo kinh tế- xã hội nói trên của Chính phủ.

 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 2006- 2010 và năm 2011 cũng như việc xây dựng các chỉ tiêu cho kế hoạch phát triển KT-XH 2011- 2015.

 

Trong giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%, mặc dù thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và thế giới. Nước ta cũng hoàn thành hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ cam kết với quốc tế; kết quả giảm nghèo nhanh được thế giới đánh giá cao; ổn định chính trị, xã hội được giữ vững, vị thế đất nước được nâng cao.

 

Trong năm 2011, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8% - 6%, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực. An sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm, nhất là  ở khu vực nông thôn.

 

Trong 5 năm tới, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển KT-XH của Chính phủ trong thời gian tới và đề nghị Chính phủ tập trung vào các giải pháp chủ yếu như tái cơ cấu kinh tế cần gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục chính sách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

 

Củng cố mạng lưới an sinh xã hội với 3 nội dung: an sinh về việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Tăng cường bảo vệ môi trường, tăng cường tiềm lực an ninh- quốc phòng và phòng chống hiệu quả tham nhũng, lãng phí…

 

BTV (Theo TTXVN, chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek