Thứ Bảy, 30/11/2024 14:26 CH
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xử lý kiên quyết, công khai các vụ tham nhũng đã tạo thêm lòng tin trong xã hội
Thứ Ba, 17/10/2006 17:57 CH

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, trong đó có việc ban hành quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; chỉ đạo xử lý kiên quyết, công khai đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng, nhất là một số vụ việc tham nhũng lớn, gây bức xúc trong dư luận đã tạo thêm lòng tin trong xã hội - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu ở phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI vừa diễn ra sáng nay.

 

Đúng 8 giờ 30 phút sáng nay (17/10), kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XI chính thức khai mạc tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội.

 

Trong lời khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết nhìn lại 9 tháng qua, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn như: giá dầu biến động, thiên tai, dịch bệnh...nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

061017-hoi-truong.jpg
Các đại biểu Quốc hội khóa XI trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 10 - Ảnh: VNN

Chủ tịch cũng đã gửi lời hỏi thăm sâu sắc đến các gia đình, tổ chức và cá nhân chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản do bão lũ gây ra, gần đây nhất là hậu quả khốc liệt do cơn bão số 6 Xangsane gây ra

Về chương trình làm việc, Chủ tịch đề nghị tiếp tục có sự đổi mới, cải tiến về cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội theo hướng tận dụng tối đa thời gian, nâng cao chất lượng và hiệu suất làm việc. Đây là kỳ họp cuối năm có nhiều nội dung quan trọng. Uỷ ban thường vụ QH đề nghị các ĐB nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, suy nghĩ, thảo luận tham gia nhiều ý kiến thiết thực, góp phần cho thành công của kỳ họp.

Sau lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2006; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ƯỚC ĐẠT 8,2%

Điểm lại những khó khăn, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh có thể dự báo được kết quả tăng trưởng kinh tế trong toàn năm 2006 qua thực tế trong những tháng đầu năm. Dự đoán tăng trưởng kinh tế khoảng 8,2 - 8,5%.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm ước tăng 8,2% (kế hoạch là 8%). GDP bình quân đầu người đạt trên 11,5 triệu đồng = 720 USD (con số này của năm 2005 là 640 USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20% (kế hoạch là 16,4%). Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 41% GDP (kế hoạch là 38,6%). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 258 nghìn tỷ đồng, tăng 19%; tổng chi ngân sách nhà nước đạt trên 315 nghìn tỉ đồng, tăng 20%; bội chi ngân sách nhà nước trong mức 5% GDP (bằng mức dự toán). Cũng trong báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã có 1,6 triệu lao động được tạo việc làm mới. Nhìn tổng quát, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức QH đề ra.

Một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật: Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2006 là mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó nguồn vốn của doanh nghiệp dân doanh chiếm 1/3; Sản lượng lương thực vẫn đạt khoảng 40 triệu tấn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời duy trì năm thứ 2 liên tiếp xuất khẩu gạo đạt trên 5 triệu tấn (đạt trên 1 tỷ USD).

Công tác sắp sếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được tiến hành tích cực, năm 2006 cổ phần hoá 420 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá lên 3.480. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt kết quả khả quan, với tổng số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt khoảng 6,6 tỷ USD và số vốn thực hiện khoảng 3,7 tỷ USD.

Mức lương tối thiểu chung và lương hưu, trợ cấp xã hội đã được điều chỉnh tăng lên từ ngày 1/10/2006, sớm hơn so với lộ trình cải cách tiền lương, đồng thời với việc thực hiện các biện pháp để kiểm soát và bình ổn giá.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, hệ thống thể chế tiếp tục được hoàn thiện, bộ máy hành chính các cấp đã có bước chuyển biến, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh trong đó có việc ban hành quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; chỉ đạo xử lý kiên quyết, công khai đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng, nhất là một số vụ việc tham nhũng lớn, gây bức xúc trong dư luận đã tạo thêm lòng tin trong xã hội 

Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả. Sau 11 năm kiên trì đàm phán, Việt Nam đã kết thúc đàm phán cả song phương và đa phương để gia nhập WTO. Đến nay đã hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị và thực hiện thành công nhiều hoạt động quan trọng để tiến đến tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC, lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam.

KINH TẾ - XÃ HỘI CÒN NHIỀU YẾU KÉM

Sau khi điểm qua những thành tựu đạt được thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém và bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội  thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng GDP tuy đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng của sự tăng trưởng, nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa có được cải thiện, còn nhiều yếu kém, cơ cấu chuyển dịch kinh tế còn chậm; cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy có được những kết quả song tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. 

Thủ tướng cũng thừa nhận: "những yếu kém bất cập nói trên không phải là những vấn đề mới, nhưng sự khắc phục còn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét, đòi hỏi phải có những nỗ lực cao hơn với những giải pháp thiết thực hơn để vượt lên những khó khăn, thách thức này".

Về nhiệm vụ trong năm 2007, Chính phủ xác định cần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, bổ sung chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để thu hút mạnh đầu tư trực tiếp của nước ngoài, mở rộng lĩnh vực, địa bàn và các hình thức thu hút đầu tư, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế mạnh của thế giới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư trực tiếp, hoàn thiện chính sách để thu hút mạnh vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài gắn với việc bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế. 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG 

Đọc báo cáo trước QH, Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong công tác cải cách hành chính và chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng cho biết sẽ phân cấp mạnh cho các Bộ và chính quyền địa phương, gắn liền với xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn trong các lĩnh vực".

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật đã có hiệu lực. Tiếp tục rà soát để xoá bỏ các quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp. Công việc này sẽ song hành cùng với giải pháp đổi mới chính sách cán bộ và công tác quản lý cán bộ, có chế độ đãi ngộ thoả đáng và công bằng với đội ngũ cán bộ, công chức.

Về giải pháp phòng, chống tham nhũng, Báo cáo cho biết sẽ kiện toàn tổ chức và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đôn đốc kiểm tra việc xây dựng và thực hiện chương trình hành động chống tham nhũng, lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương, sao cho thực sự thiết thực, hiệu quả, nói đúng mực, làm kiên quyết, đúng pháp luật, trước hết là ở ngành, địa phương, đơn vị mình.

Chính phủ đồng thời cam kết "thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, khi để xảy ra tham nhũng. Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai việc cán bộ công chức tham nhũng; tập trung chỉ đạo, điều tra và xử lý đúng pháp luật những vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, nhất là những vụ tham nhũng lớn, xã hội đặc biệt quan tâm".

Theo yêu cầu của Thủ tướng, công tác phòng, chống tham nhũng phải được kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị và gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu. 

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh."Trước hết là cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, từng công chức và người đứng đầu cơ quan; thu gọn đầu mối trong việc giải quyết mọi công việc hành chính cho dân và doanh nghiệp theo mô hình một cửa. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có chức năng, thẩm quyền giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm việc công khai các thủ tục hành chính tại tất cả điểm tiếp nhận hồ sơ, nơi làm việc để mọi người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát"

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2007 và kế hoạch 5 năm, 2006 - 2010, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình để hoàn thành trọng trách được giao, đồng thời, Thủ tướng đề nghị QH, MTTQVN, các đoàn thể nhân dân và các đồng chí đồng bào cả nước, tăng cường giám sát, hợp tác, chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, tạo sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực để hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2007.

Sau báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2006 và nhiệm vụ năm 2007 do Thủ tướng trình bày, QH tiếp tục chương trình ngày làm việc đầu tiên với bản báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ năm 2007 của Chính phủ.

NĂM 2006: HIỆU QUẢ KINH TẾ TRÊN 1 TỈ ĐỒNG CHI PHÍ GIẢM SO VỚI NĂM 2005

Trong báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của QH về nhiệm vụ kinh tế 2006 và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2007, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách (UBKTNS) Nguyễn Đức Kiên nhận định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch, duy trì ở mức cao nhưng thấp hơn mức đã đạt được của năm 2005; chất lượng (trong điều kiện, xét về tổng thể tác động của thiên tai, dịch bệnh, giá cả trong và ngoài nước, điều kiện thương mại) không khác nhau nhiều.

Nhìn chung, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa có chuyển biến đáng kể, biểu hiện ở chỗ giá trị tăng thêm trong nhiều ngành vẫn giữ hoặc thấp hơn năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng vẫn là yếu tố vốn (chiếm trên 60%) và lao động; hàm lượng trí tuệ, khoa học, công nghệ trong sản phẩm hàng hoá, dịch vụ còn thấp, hiệu quả kinh tế trên 1 đồng chi phí giảm so với năm 2005.

Hoạt động đầu tư phát triển có chuyển biến, nhưng nhiều tiềm năng của nền kinh tế chưa được khai thác có hiệu quả, còn lãng phí. Qua 9 tháng đầu năm, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước... thực hiện thấp, sẽ dồn vào cuối năm dễ dẫn đến chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư thấp. Công tác thanh toán, giải ngân vốn đầu tư thuộc ngân sách và tín dụng đầu tư của Nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương đạt ở mức thấp so với kế hoạch.

Về công tác quy hoạch, UBKTNS cho rằng Chính phủ đã ráo riết làm theo thẩm quyền, hoặc trình QH quyết định nhiều quy hoạch về đất đai, kinh tế-xã hội vùng, tỉnh thành phố, quy hoạch phát triển ngành... bước đầu chấn chỉnh được những lệch lạc. Tuy nhiên cần phải chú ý đến quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển...

Chất lượng hoạt động tài chính, tiền tệ, tín dụng đã được nâng lên nhưng chưa căn bản, còn chứa đựng yếu tố chưa vững chắc.

Nhiều vấn đề xã hội vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng: Tiêu cực trong giáo dục, thủ tục hành chính, thiếu chấp hành pháp luật về lao động, tiền lương, tội phạm xã hội...

Vế nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2007, UBKTNS cho rằng cần chủ động, tích cực hơn trong việc thực hiện có hiệu quả các cam kết AFTA, APEC, BTA và các cam kết quốc tế khác, đặc biệt là cam kết  với WTO khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này. Cần khẩn trương xác định chương trình hành động thật cụ thể trong phạm vi cả nước, trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương...vừa hạn chế những khó khăn, thách thức, vừa chọn những khâu có lợi thế, tiềm năng, áp dụng các giải pháp mạnh mẽ, tạo sự đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để tạo lập môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, phát triển nền kinh tế bền vững lâu dài, cần áp dụng nhất quán các chính sách, biện pháp khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, hoạt động đúng pháp luật

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội còn nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006, phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2007…

Theo VNN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek