Thứ Ba, 15/10/2024 11:31 SA
Miền Nam đi trước, về sau
Thứ Sáu, 23/09/2011 08:00 SA

66 năm trước, vào ngày 23/9/1945, tức là chỉ 21 ngày sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng trọn niềm vui của người dân một nước độc lập, lại phải đứng lên chiến đấu mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2.

tl110923.jpg

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đồng lòng đứng lên kháng chiến - Ảnh: TL

“… Mua thu rồi! ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, lời bài ca hùng tráng vang lên khắp các phố phường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Quân và dân Sài Gòn đã vùng lên chiến đấu với mọi thứ vũ khí có trong tay, cùng với ý chí “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!” như Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân Nam Bộ.

Rạng sáng 23/9/1945, quân Pháp (số bị giam được quân Anh thả, cộng với các đơn vị từ Pháp sang) núp bóng quân Anh nổ súng đánh chiếm Sở Cảnh sát, Sở Bưu điện và một số nơi trong thành phố.

Chiều 23/9 nhân dân Sài Gòn tiến hành cuộc tổng đình công, bất hợp tác với giặc. Điện, nước nơi chúng đóng bị cắt. Các công sở, hãng buôn, nhà máy đều đóng cửa. Chợ búa không họp, mọi nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm vào thành phố bị chặn lại.

Từ ngày 24/9 trở đi, một loạt các nhà máy, kho tàng, địa điểm đóng quân của giặc bị tấn công, đánh phá. Các đội tự vệ xung phong còn đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất phá máy bay giặc, đột nhập quân cảng Sài Gòn đốt cháy chiếc tàu thủy của Pháp vừa cập bến. Các chiến sĩ ta còn phá Khám lớn Sài Gòn, giải thoát cho hằng trăm cán bộ và đồng bào ta bị địch giam giữ.

Quân và dân Sài Gòn đã anh dũng chiến đấu suốt 1 tháng gây cho giặc Pháp nhiều thiệt hại về người và phương tiện chiến tranh. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Trong cuộc cướp nước lần trước, quân Pháp chỉ cần dùng những viên đại bác, bắn thủng mấy bức thành là có thể thu phục cả một vùng đất đai. Lần này chúng đã vấp phải bức tường thép không thể phá vỡ của những người dân không chịu trở lại đời nô lệ”.

Ngày 26/9, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã gửi đến đồng bào Sài Gòn những lời tâm huyết và khẳng định: “…Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa”.

Người kêu gọi nhân dân cả nước ra sức chi viện cho đồng bào Nam Bộ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, hàng chục ngàn thanh niên thủ đô, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ xung phong vào đội quân “Nam tiến”. Hàng chục đoàn tàu hỏa chạy suốt ngày đêm đưa những thanh niên ưu tú miền Bắc vào chi viện cho đồng bào miền Nam chống Pháp xâm lược.

Cuộc chiến đấu giam chân địch 1 tháng trong thành phố Sài Gòn có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo một khoảng thời gian vô cùng quý giá, để nhân dân Nam Bộ và cả nước chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bắt đầu từ ngày 23/9/1945, đồng bào miền Nam hết chống Pháp đến chống Mỹ xâm lược, ròng rã 30 năm trời, đến tận ngày 30/4/1975, Bắc-Nam sum họp.

“Miền Nam đi trước, về sau” thật xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước, xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc, đồng thời thành phố Sài Gòn vinh dự mang tên thành phố Hồ Chí Minh, Người anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek