Sơn Hội là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Hòa thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn song Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sơn Hội đã không ngừng phấn đấu vươn lên, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo...
Già làng Oi Diễn (trái) vận động người dân, con cháu thực hiện nếp sống văn minh. - Ảnh: K.LIÊN
Xã Sơn Hội có 8 thôn, buôn, 963 hộ với 3.884 người. Trong đó, có 513 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đại bộ phận người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, mía, sắn… Ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Hội cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu vì lợi ích của nhân dân, khơi dậy tính tích cực và ý thức công dân của bà con, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện xã có 4/8 thôn, buôn được công nhận thôn, buôn văn hóa, 850 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tiêu biểu như buôn Tân Thuận nhiều năm liền giữ vững danh hiệu buôn văn hóa. Đây là khu dân cư có 95% đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi. Nhờ đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hiện ở Tân Thuận không còn hộ đói, không còn nhà tạm bợ dột nát. Người dân Tân Thuận còn thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các hủ tục như ma lai, thuốc độc, bóp trứng đã không còn tồn tại…
Đưa chúng tôi đến thăm gia đình già làng Oi Diễn ở thôn Tân Lương, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội Nguyễn Xinh Mầu giới thiệu đây là gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền của xã. Oi Diễn cho biết mặc dù người vợ thân yêu của ông đã qua đời hơn 10 năm song ông đã nuôi dạy, động viên các con, cháu cố gắng học tập nên người, cùng nhau phấn đấu tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống gia đình. Theo ông Mầu, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của nhiều gia đình trong xây dựng nếp sống văn hóa thì vai trò của ban công tác Mặt trận thôn, buôn, Mặt trận xã là rất quan trọng. Còn ông La O Hưa, thôn Tân Lương, tấm tắc: “Cán bộ Mặt trận xã, thôn, buôn thường đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con mình ăn chín uống sôi, nêu cao truyền thống đoàn kết, lo cho con em ăn học, không uống rượu nhiều, không nghe lời kẻ xấu. Nhà mình và nhiều nhà trong thôn đã làm theo nên mới được như ngày hôm nay”.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận xã Sơn Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước như vận động nhân dân đóng góp hàng trăm ngày công lao động, giúp hoàn thành Nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà thuộc đối tượng nghèo tặng 21 hộ nghèo, huy động, vận động hàng chục triệu đồng vào quỹ Vì người nghèo, tổ chức thành công ngày hội đại đoàn kết ở các khu dân cư… Đồng thời, đóng vai trò tích cực trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, hòa giải liên quan đến quyền, lợi ích của người dân trong cuộc sống. Chính nhờ sự tuyên truyền, giải thích kịp thời của Mặt trận và các đoàn thể, người dân trong xã đã nhận thức rõ được ý nghĩa quan trọng của tình đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt
Ông Bùi Văn Chót, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Hòa, đánh giá: Nét đáng ghi nhận của Sơn Hội là đội ngũ cán bộ Mặt trận ở đây rất có trách nhiệm, nhiệt tình, luôn sát dân, gần dân, kiên trì vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đạt hiệu quả. Vì vậy, đã góp phần tạo ra nhiều khởi sắc rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một địa bàn miền núi.
KIM LIÊN