Thứ Tư, 02/10/2024 11:34 SA
Mãi mãi đi theo con đường mà Người đã chọn
Chủ Nhật, 05/06/2011 15:00 CH

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lúc bắt đầu đi tìm đường cứu nước đổi tên là Nguyễn Tất Thành, với ý nghĩa và lòng quyết tâm “hữu chí tất thành” (có chí thì nên).

 

bac-ho110605.jpg

Nguyễn Ái Quốc ở Pháp năm 1920. - Ảnh: T.LIỆU

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, dân tộc lầm than, nô lệ. Mới bước vào tuổi thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nuôi chí lớn đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào, tiếp bước các bậc chí sĩ tiền bối. Người suy nghĩ rất nhiều về nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ.

 

…“Bao nẻo người đi, bước trước sau

Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu?

Năm châu thăm thẳm, trời im tiếng

Sách thánh hiền lâu đã bạc màu”…

 (Tố Hữu)

Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào.

 

Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện “cải lương”, nới lỏng chế độ thuộc địa. Điều đó chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương, chẳng thể nào đem lại kết quả.

 

Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Phan Bội Châu quen thân với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác Hồ) nên đã vận động để đưa Nguyễn Sinh Cung sang Nhật, nhưng anh không đi. Anh nung nấu quyết tâm đi về phương Tây, xem nước Pháp – “mẫu quốc” đang đè đầu cưỡi cổ dân ta – và các nước khác xem họ làm ăn thế nào để rồi trở về giúp đồng bào.

 

Với cái tên mới Văn Ba, Nguyễn Tất Thành xin làm phụ bếp trên một tàu buôn Pháp sang Paris, sau đó đi qua Anh và nhiều nước ở châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, để tìm hiểu nguồn gốc của sự nghèo đói và con đường giải phóng người nô lệ.

 

Sau 10 năm đi khắp đó đây, làm đủ mọi nghề để sống, từ anh Văn Ba phụ bếp lênh đênh trên biển sang Pháp, rồi anh Văn Ba quét tuyết ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, người thanh niên yêu nước Việt Nam đã trở thành nhà chính trị lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc, một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản Pháp về vấn đề thuộc địa.

 

ben-nha-rong110605.jpg

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5/6/1911). - Ảnh: T.LIỆU

ben-nha-rong2-110605.jpg

Bến Nhà Rồng - nơi cách đây 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. - Ảnh: T.LIỆU

 

Sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917), được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin”, bằng thực tiễn cuộc sống đã chứng kiến và bằng thiên tài trí tuệ của mình, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Người đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười để trực tiếp học tập kinh nghiệm cách mạng, rồi về Trung Quốc, chuẩn bị mọi mặt về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đến ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức nhận nhiệm vụ lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

 

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên và cũng là người tận tâm, tận lực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt nam. Hơn nửa thế kỷ qua, chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã biến thành sức mạnh tinh thần để Đảng và dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác, bộ mặt đất nước ngày càng tươi mới, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Đại hội lần thứ XI của Đảng ta tiếp tục khẳng định: kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vững bước trên con đường mà Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ 100 năm trước.

 

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek