* Ông Võ Nhất Linh, 72 tuổi (thôn Ðông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa): HỌC BÁC, TÔI LUÔN LÀ NGƯỜI NÔNG DÂN HỮU ÍCH
Sự ra đi tìm đường cứu nước của Người không phải là ngẫu nhiên mà nó là sự tất yếu diễn ra từ những chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, sự trải nghiệm lao động, việc không ngừng học tập và chiến đấu bằng cả trí tuệ và trái tim giàu lòng nhân ái của một con người vĩ đại. Tôi đã từng xem qua báo chí về hình ảnh Bác Hồ đang đạp nước trên guồng nước giúp dân một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Bác luôn như vậy, luôn hòa mình và thấu hiểu với nỗi vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của người nông dân. Tôi biết, Bác luôn quan tâm đến nông dân vì Bác hiểu trong mọi hoàn cảnh, nông dân luôn là lực lượng hăng hái, đi đầu nhưng cũng dễ bị thiệt thòi nhất. Trong Di chúc, Bác từng đề cập đến những việc làm thế nào để đem lại lợi ích cho người nông dân nói riêng, người dân nói chung. Do vậy, học tập và làm theo gương Bác, tôi luôn cố gắng phấn đấu trở thành một người nông dân chăm chỉ, xây dựng gia đình trong ấm ngoài êm, giáo dục lớp thanh niên trẻ trong thôn luôn một lòng hướng thiện, làm nhiều việc tốt. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, tôi vẫn sẵn sàng tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự thôn xóm và xem đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
* Thầy Thích Nguyên Ðạo, trụ trì chùa Long Quang (phường 3, TP Tuy Hòa): NHỜ BÁC, SỐNG TỐT ÐỜI ÐẸP ÐẠO…
Với tôi, hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta. Lúc ấy có biết bao cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước thất bại từ “trong trứng nước”, bị thực dân đàn áp, bị dìm trong bể máu. Bác Hồ một mình ra đi với tấm lòng yêu nước cháy bỏng, sự mẫn cảm và nhạy bén chính trị tuyệt vời, chấp nhận giấu mình bằng công việc của người phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp. Tôi lại càng ấn tượng hơn về Bác đó là, một người từng bị thực dân Pháp kết án tử nhưng sau này lại trở thành nhân vật đại diện nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, trở thành thượng khách của nước Pháp để đứng ngang hàng với tổng thống Pháp. Đó thực sự là minh chứng rõ nhất cho khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của dân tộc ta.
Để học theo Người, tôi luôn tự nhủ, trước hết mình phải là một công dân gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm với xã hội, với đồng đạo trong Phật giới. Bên cạnh đó, với tư cách của một sư thầy, tôi luôn vận động tăng giới sống “tốt đời, đẹp đạo”, hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ bản thân trong mối quan hệ không tách biệt “đạo - đời”, luôn hướng về những số phận bất hạnh trong cuộc sống, làm tốt công tác an sinh xã hội nhằm chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương.
* Nay Y Thin (học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên): HỌC BÁC NGAY TỪ NHỮNG ÐIỀU NHỎ NHẤT
Ngay từ khi mới cắp sách đến trường, em đã được dạy những bài học lịch sử, những câu chuyện về Bác Hồ. Qua học tập, em biết rằng con đường đi cứu nước của Bác Hồ hết sức gian khổ với nhiều chông gai, thử thách. Nhờ Bác mà ngày nay chúng em được sống trong môi trường lành mạnh, được tạo điều kiện học tập, vui chơi và phấn đấu trưởng thành.
Không chỉ riêng em mà nhiều bạn khác nữa cũng đã học tập và làm theo lời Bác ngay từ khi bắt đầu là một đội viên. Em và các bạn cũng đã “nằm lòng” 5 điều Bác Hồ dạy và luôn lấy đó làm kim chỉ nam hành động. Với em chỉ cần thực hiện tốt những điều Bác dạy là đã bước đầu trở thành một người công dân tốt. Tìm hiểu về nhân cách và sự nghiệp của Người, em học được từ những điều đơn giản nhất. Chẳng hạn như không xả rác bừa bãi, luôn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện đi học, em sẽ cố gắng hướng dẫn các bạn cùng trang lứa trong thôn không được nghe lời bọn xấu để làm hại Đảng, hại dân. Là thanh niên thế hệ mới, em luôn rèn luyện về lối sống, năng lực lẫn nhân cách. Hành trang của tuổi trẻ hôm nay là lý tưởng, truyền thống, có trình độ và năng lực làm việc nên em luôn cố gắng học tập, vận dụng kiến thức vào trong cuộc sống, sẵn sàng vượt qua những thách thức, khó khăn nhất.
* Phan Ðắc Hoan, Chánh văn phòng hội Sinh viên tỉnh Phú Yên: XÂY DỰNG ÐẤT NƯỚC MẠNH GIÀU NHƯ BÁC HẰNG MONG ƯỚC
100 năm từ dấu mốc lịch sử ấy, Bác Hồ kính yêu - người con ưu tú của dân tộc đã ra đi tìm đường cứu nước và Người đã trở về để làm cách mạng, giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm dài nô lệ. Một trong những tư tưởng sáng ngời mà Bác để lại chính là giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những ngày này cả dân tộc cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh hải trước những những hành động xâm phạm trắng trợn và ngang ngược của nước lớn thì vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết càng cần phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước là một dịp đặc biệt để mỗi thanh niên chúng ta trân trọng tưởng nhớ, nghĩ về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người để học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến và trưởng thành. Không chỉ tự hào về quá khứ hào hùng của ông cha ta để lại, thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp tục học hỏi và phát huy những truyền thống tốt đẹp làm nên những Điện Biên Phủ những Đại thắng mùa Xuân trên mặt trận kinh tế để tiếp tục xây dựng đất nước mạnh giàu “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong ước.
NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ (ghi)