Câu 65: Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền lập danh sách người ứng cử?
Trả lời: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức có thẩm quyền lập danh sách những người ứng cử được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở trung ương giới thiệu.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức có thẩm quyền lập danh sách những người ứng cử được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở địa phương giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử.
Câu 66: Thời hạn gửi, lập và công bố danh sách những người ứng cử được quy định như thế nào?
Trả lời: Chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Hội đồng bầu cử danh sách chính thức những người được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Căn cứ vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử gửi đến các Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hữu quan danh sách những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương.
Chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh danh sách chính thức những người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Chậm nhất là hai mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi đến.
Chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử phải niêm yết danh sách những người ứng cử ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử.
Câu 67: Danh sách những người ứng cử gồm những thông tin gì?
Trả lời: Những thông tin cần phải ghi rõ trong danh sách những người ứng cử là: họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp, chức vụ, nơi làm việc của người ứng cử. Danh sách những người ứng cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C…
Câu 68: Số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời: Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định.
Trường hợp Hội đồng bầu cử quyết định xóa tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội làm cho số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử không nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi thống nhất với Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chọn người có tín nhiệm cao nhất và đạt trên năm mươi phần trăm số phiếu tín nhiệm trong số người còn lại ở danh sách đã hiệp thương lần thứ ba để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định; nếu trong danh sách hiệp thương lần thứ ba không có người đạt yêu cầu trên thì Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định việc chuyển người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử có số dư nhiều nhất trong cùng tỉnh, thành phố đến đơn vị bầu cử không có số người ứng cử nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu. Trong trường hợp không chọn được người có tín nhiệm cao nhất trong danh sách đã hiệp thương lần thứ ba và không thể chuyển người ứng cử từ đơn vị bầu cử khác đến thì Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định.
Câu 69: Trước khi lập danh sách những người ứng cử, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào có trách nhiệm xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử?
Trả lời: Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử được phân loại thành ba nhóm theo sự việc và theo đối tượng. Cụ thể như sau:
1. Đối với vụ việc ở nơi công tác:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trường hợp người ứng cử là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.
2. Đối với vụ việc ở khu dân cư:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Đối với người tự ứng cử:
Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chậm nhất là bốn mươi ngày trước ngày bầu cử, việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử phải được tiến hành xong.
(Còn nữa)