Câu 59: Cử tri đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền bầu cử ở nơi khác không?
Trả lời: Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi mới đến. Ở những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri và cấp giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác”. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân phải ghi ngay vào danh sách bên cạnh tên cử tri “Đi bỏ phiếu nơi khác”.
Câu 60: Thế nào là người được giới thiệu ứng cử và thế nào là người tự ứng cử?
Trả lời: Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực thì nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội tại Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mình ứng cử.
Câu 61: Người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội?
Trả lời: Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội là:
- Người chưa đủ 21 tuổi.
- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Người đang bị khởi tố về hình sự;
- Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án;
- Người đang bị tạm giam;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án;
- Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.
Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tó về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc chết, thì Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trường hợp người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này mà người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi trao đổi ý kiến với Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu.
Câu 62: Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội gồm những gì?
Trả lời: Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội gồm có:
- Đơn xin ứng cử;
- Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú;
- Tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh màu, nền trắng, cỡ 4x6cm; sau ảnh ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán (tỉnh, thành phố);
- Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử.
Mẫu hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội do Hội đồng bầu cử ban hành thống nhất trong cả nước.
Câu 63: Thời hạn nộp hồ sơ ứng cử là khi nào?
Trả lời: Chậm nhất là sáu mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội (người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.
Câu 64: Việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Hội đồng bầu cử có trách nhiệm tiếp nhận các hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương giới thiệu. Sau khi tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ ứng cử, Hội đồng bầu cử có trách nhiệm chuyển tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc việt Nam để đưa vào danh sách hiệp thương.
Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở địa phương giới thiệu và những người tự ứng cử. Sau khi tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ ứng cử, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đế đưa vào danh sách hiệp thương.
(Còn nữa)