Thứ Năm, 28/11/2024 17:58 CH
Hỏi đáp về bầu cử Quốc hội
Thứ Tư, 20/04/2011 09:00 SA

Câu 27: Kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

 

Trả lời: Kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Kinh phí bầu cử được phân bổ trên cơ sở nguyên tắc chung là dựa theo số cử tri của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời có tính đến đặc điểm và tình hình thực tế của một số địa phương.

 

Kinh phí bầu cử được chi cho các việc chuẩn bị triển khai, tiến hành và tổng kết bầu cử. Các chi phí này bao gồm in ấn các tài liệu, biểu mẫu, thẻ cử tri, mẫu biên bản, các chi phí về mua sắm hòm phiếu, khắc con dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử, chi phí và bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên phục vụ cho cuộc bầu cử và các khoản chi phí cần thiết khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

 

Việc chi tiêu kinh phí bầu cử phải trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Các phương tiện phục vụ cho các cuộc bầu cử trước đây còn sử dụng được thì tận dụng để phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII lần này.

 

Câu 28: Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII được bầu là bao nhiêu người?

 

Trả lời: Để đảm bảo số lượng và cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục... pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định tổng số đại biểu Quốc hội được bầu không quá 500 người. Vì vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 được bầu không quá 500 người.

 

Câu 29: Việc phân bổ đại biểu Quốc hội của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ai dự kiến và theo căn cứ nào?

 

Trả lời: Việc phân bổ đại biểu Quốc hội của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến và dựa trên các căn cứ sau:

 

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;

 

- Số đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương;

 

- Thủ đô Hà Nội được phân bổ số đại biểu thích đáng.

 

Câu 30: Số đại biểu là người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

 

Trả lời: Đất nước ta là cộng đồng của 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, để phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quyền lợi, ý chí, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Việt Nam, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm các thành phần dân tộc thiểu số phải có số lượng đại biểu thích đáng.

 

Câu 31: Số đại biểu Quốc hội là phụ nữ được quy định như thế nào?

 

Trả lời: Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ Việt Nam phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đảm bảo quyền đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của phụ nữ pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định phải có số lượng thích đáng đại biểu Quốc hội là nữ, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

 

Câu 32: Đơn vị bầu cử là gì? Việc ấn định số đơn vị bầu cử và danh sách các đơn vị bầu cử được tiến hành như thế nào?

 

Trả lời: Đơn vị bầu cử là khái niệm chỉ một phạm vi địa lý hành chính với số dân cư nhất định, được bầu một số lượng đại biểu Quốc hội nhất định. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội quy định mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá ba đại biểu. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử. Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu của mỗi đơn vị được tính theo số dân.

 

Câu 33: Khu vực bỏ phiếu là gì? Việc phân chia đơn vị bỏ phiếu được tiến hành như thế nào?

 

Trả lời: Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa lý hành chính có số dân nhất định, nơi trực tiếp tiến hành bỏ phiếu bầu đại biểu. Để việc bỏ phiếu được thuận tiện, mỗi đơn vị bầu cử được chia ra thành nhiều khu vực bỏ phiếu. Các khu vực bỏ phiếu trong cùng một đơn vị bầu cử có chung một danh sách ứng cử. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Việc chia khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập và được Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn.

 

Đơn vị vũ trang nhân dân thành lập những khu vực bỏ phiếu riêng hoặc đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có thể có chung một khu vực bỏ phiếu.

 

Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có tới ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.

 

Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ năm mươi cử tri trở lên có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

 

Cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh đối với những người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

 

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek